Sứa đốt nguy hiểm tính mạng nếu không biết cách xử lý
- Y học 360
- 14:04 - 27/06/2019
Toàn thân chi chít vết thương vì sứa đốt
Gia đình nhà anh Phạm Ngọc L. (ở Hà Đông, Hà Nội) vừa về sau chuyến du lịch biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Anh cho biết, khi xuống tắm biển vô tình đụng phải một con sứa tròn như cái ô khiến tay chân ngứa ngáy khó chịu. Khi đó, anh dùng cát để chà xát lên da để cho bớt ngứa. Kết quả, vết ngứa của anh không giảm mà còn lan rộng, để lại nhiều vết thương, trầy da suốt mấy ngày liền. Điều trị gần một tuần, anh mới bình thường trở lại.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đang điều trị cho bệnh nhân nam hơn 40 tuổi vẫn chằng chịt tổn thương vùng mặt, cổ và lưng do sứa đốt. Bệnh nhân cho biết, vừa xuống tắm biển Quan Lạn (tỉnh Quảng Ninh), anh bị sứa lửa cắn. Nghe mọi người nói xát chanh, tắm nước ngọt để trôi hết nọc của sứa biển, anh làm theo nhưng sau đó khuôn mặt phù nề, mắt híp lại. Về đến Hà Nội, tổn thương lan hết mặt, lưng, cổ với cảm giác đau rát, nhức nhối, anh đã vào bệnh viện điều trị. Cũng theo bệnh nhân, ngoài anh ở trong đoàn còn có 3 người khác nữa cũng bị sứa biển tấn công nhưng nhẹ hơn.
BS Đinh Doãn Thạch, Khoa Điều trị tổng hợp (Bệnh viện Da liễu Hà Nội cơ sở 2) cho hay, vào mùa hè viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp vào viện điều trị do sứa đốt nhưng đa phần vào viện khi đã ở giai đoạn nặng, nhiễm trùng, chữa cũng khỏi nhưng thời gian điều trị lâu.
Nọc độc của sứa biển nằm ở xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ.
Trường hợp chẳng may tiếp xúc với sứa biển trong lúc tắm khá phổ biến trong ngày hè. Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể. Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp mà cơ thể sẽ có những biểu hiện khác nhau. Phần lớn mọi người chỉ bị dị ứng, mẩn đỏ ngoài da và ngứa, sau khi bôi các thuốc chống dị ứng thì thường tự khỏi mà không phải nhập viện. Tuy nhiên, một số nạn nhân ngoài phát ban da ngứa còn có thể gặp các triệu chứng toàn thân do các chất độc như: Sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, tức ngực, đau đầu… Với những trường hợp này cần đến ngay bệnh viện để tránh nguy hiểm.
Cũng theo BS Thạch, nọc độc của sứa khi chạm vào da thịt nếu không kịp thời xử lý sẽ để lại những tổn thương nặng nề do nọc độc gây loét, bỏng sâu. Đáng nói là sai lầm nhiều người mắc phải khi bị sứa đốt là lập tức xả nước ngọt hoặc nước nóng. Điều này sẽ khiến cho tổn thương nặng nề hơn, gây rát buốt vì nước ngọt là chất kích thích những tế bào chứa gai nhọn tiếp tục phóng độc. Hay việc chà xát, gãi ngứa da làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn vì ấu trùng sẽ phóng thích nhiều độc tố vào da do áp lực hoặc ma sát.
Ngoài ra, mọi người cũng nên lưu ý không dùng chanh xát vào vết thương vì axit chua khi da đã tổn thương sẽ xót, đau hơn. Việc dùng thuốc cũng cần thận trọng, không nên tùy tiện bôi thuốc vào vết phù nề có thể gây nhiễm trùng, để lại sẹo sau này.
Sơ cứu đúng cách
Theo các chuyên gia, sứa biển có 2 loại là sứa trắng và sứa lửa. Người tắm biển nếu đụng phải sứa trắng chỉ gây ngứa chút xíu nhưng đụng phải sứa lửa - những con sứa có tua màu xanh, đỏ thì gây ra rát bỏng, sau đó da bị phồng, rộp lên. Nếu xử lý đúng cách sẽ không để lại di chứng.
BS Đinh Doãn Thạch cho hay, sứa đốt cũng như trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng cần nhanh chóng rửa sạch ngay. Mọi người cần rửa vết thương bằng nước biển hoặc nước muối để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Tiếp đến loại bỏ các xúc tu hay phần cơ thể của vật cắn còn bám lại trên da. Người sơ cứu ban đầu cho nạn nhân bị sứa cắn cần đeo găng hay quấn khăn hoặc túi nilon để tránh bị thương nếu chạm vào ngòi đốt của sứa lấy ra khỏi nạn nhân các xúc tu hay tay sứa nếu còn bám trên người.
Chỗ bị sứa đốt thường sưng đỏ, có cảm giác nóng xung quanh, gây đau rát dữ dội. Khi bị như thế cần hạn chế cử động, tránh chạm vào vùng bị thương, chườm lạnh trên vết thương trong vòng 1 tiếng sẽ giảm được đau. Tại chỗ bị sứa đốt có thể dùng một số loại thuốc kháng histamin hoặc kem hydrocortisone, thuốc giảm đau nhằm làm giảm ngứa, giảm sưng. Trong những trường hợp nặng, vết rộp lan rộng, sâu và có nguy cơ nhiễm trùng thì phải dùng thêm kháng sinh để chống bội nhiễm.
Theo kinh nghiệm của những người dân vùng biển, khi bị sứa đốt thường hay sử dụng phương pháp dân gian như ngay sau khi bị sứa đụng phải cần rửa sạch vết thương rồi dùng những cọng lá rau muống biển mọc trên bãi nhai dập, đắp vào vết thương. Cây muống biển có tác dụng làm dịu mát vết bỏng rát. Sau đó về nhà dùng các loại kem chữa bỏng hay uống thuốc để chữa vết thương.
Trong mùa hè khi đi du lịch biển, các gia đình nên phòng sẵn một số thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc chữa tiêu chảy và một chai dấm để chủ động xử lý khi bị sứa cắn. Trước khi xuống tắm biển cần tìm hiểu những vùng biển nào có nhiều sứa để hạn chế xuống tắm. Khi quan sát thấy sứa biển, tuyệt đối không xuống tắm để tránh bị sứa tấn công. Nếu xuống tắm mà cơ thể bị ngứa cần lên bờ để kiểm tra xem có phải sứa cắn không để sơ cứu kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có.
Ngoài bị sứa đốt, nguy cơ ngộ độc sứa biển cũng có thể xảy ra nếu chế biến không đúng cách. Trong mùa hè, sứa biển cũng được nhiều người sử dụng để chế biến một số món như: Gỏi, nộm sứa, canh, bún sứa... Để đảm bảo sức khỏe, người dân không sử dụng sứa biển tươi chưa qua chế biến làm thức ăn, làm gỏi ăn sống, đặc biệt không sử dụng sứa làm thức ăn cho trẻ em. Chỉ sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách. Quá trình chế biến sứa tươi cần ngâm qua 3 lần trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang mầu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng để chế biến làm thức ăn. (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) |
Theo PHƯƠNG THUẬN/BÁO MỚI