Sửa đổi Luật Thống kê để sát thực hơn bức tranh kinh tế xã hội của đất nước
- Tây Y
- 08:33 - 21/10/2021
Theo chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, chiều 20/10, Quốc hội tiến thành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ sự tán thành việc cần thiết sửa đổi một số điều trong hai dự án luật trên nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn...
Tiến hành điều chỉnh GDP xuất phát từ yêu cầu thực tiễn
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Tờ trình, Hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã có sự tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài sửa đổi danh mục, phụ lục chỉ tiêu thống kê quốc gia còn sửa đổi, bổ sung một số điều của luật và cho rằng việc sửa đổi các nội dung này có ý nghĩa quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này xuất phát từ yêu cầu quản lý kinh tế của địa phương, khắc phục trình trạng thiếu số liệu, dữ liệu, thông tin thống kê của lãnh đạo địa phương trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
Do đó, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin thống kê cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, việc chủ động tính toán thống kê của các Cục thống kê tại các tỉnh. VÌ thế, "việc sửa đổi nội dung này là cần thiết", ông Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, từ thực tiễn điều hành, cuối khóa XIV đã tiến hành điều chỉnh GDP xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên do thiếu các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình, thẩm quyền thực hiện nên "quá trình thực hiện gặp phải khó khăn, lúng túng".
"Mặt khác, việc điều chỉnh GDP ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô do Quốc hội quyết định như bội chi, lạm phát, chỉ số giá, thu nhập bình quân đầu người… Do đó, cần thiết phải quy định trong luật về việc điều chỉnh GDP đáp ứng yêu cầu thực tiễn", ông Huệ nói và đề nghị tiếp tục rà soát, xem xét với các quy định trong dự thảo đã đáp ứng yêu cầu hay chưa.
Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định về việc công bố các chỉ tiêu trước và sau khi điều chỉnh GDP để có căn cứ so sánh đối chiếu; so sánh các chỉ tiêu cũng cần bổ sung kết quả so sánh với quý hoặc tháng liền trước đó. Bên cạnh việc so sánh với cùng kỳ của năm trước như hiện hành; rà soát thêm về chỉ tiêu giá trị tăng thêm của từng ngành, ngoài chỉ tiêu sản lượng còn cần tính thêm giá trị tăng thêm của từng ngành; bước đầu tính toán về chỉ tiêu kinh tế vùng.
Cơ bản nhất trí nhiều nội dung sửa đổi các nhóm chỉ tiêu trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên chỉ tiêu phản ánh đúng nội hàm của chỉ tiêu và làm rõ lý do sửa đổi, điều chỉnh tên một số nhóm chỉ tiêu và bỏ một số chỉ tiêu.
Tạo thống nhất trong các chỉ số thống kê
Cũng tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển văn hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song trong Luật Thống kê chỉ đề cập đến một chỉ tiêu duy nhất về di sản văn hóa quốc gia.
“Thực tế cho thấy, văn hóa có sự đóng góp lớn đối với sự phát triển của đất nước nhưng việc đánh giá các chỉ số phát triển văn hóa lại chưa đề cập trong Luật Thống kê. Vì thế, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung các chỉ số thống kê về phát triển văn hóa để qua đó có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực quan trọng này”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Nêu thực trạng thời gian qua chưa có sự thống nhất, liên thông giữa các bộ, ngành cũng như các địa phương trong đánh giá tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nên dẫn đến nhiều bất cập, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, cần có bộ tiêu chí đánh giá chung cả nước để tạo sự thống nhất khi thực hiện thống kê các chỉ số.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) lại cho rằng, cơ quan soạn thảo cần chú trọng đến nội dung thống kê liên quan đến kinh tế biển và môi trường của Việt Nam. “Về vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong đó có các sự cố về môi trường hoặc các tranh chấp liên quan đến môi trường. Vì thế, chúng ta cần có các chỉ tiêu về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu”, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị.
Trao đổi về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, phạm vi sửa đổi Luật Thống kê cần rộng hơn để phục vụ việc hoạch định chính sách, quan trọng hơn là bảo đảm thông suốt cùng một mặt bằng, phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, hệ thống chỉ tiêu quốc gia phải bảo đảm được 3 yếu tố. Thứ nhất, phải phản ánh khách quan, toàn diện tình hình thực tiễn thì mới phân tích, đánh giá được. Từ đó mới sang yếu tố thứ hai là giúp các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách. Thứ ba là phải phù hợp với thông lệ quốc tế.