THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:36

Sửa đổi, hoàn thiện Luật đất đai, trình Quốc hội vào tháng 9

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dưng pháp luật tháng Tám

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dưng pháp luật tháng Tám

Xây dựng hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ  quan trọng

Phiên họp thảo luận về 4 dự án luật quan trọng trước khi trình, phục vụ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV là: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)  do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được xác định rất rõ tại các Đại hội Đảng toàn quốc gần đây. Chính phủ tiếp tục khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, thường xuyên, xác định đầu tư xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển, yêu cầu Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật.

Thời gian qua, các thành viên Chính phủ đã bám sát chương trình làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chủ động, tích cực xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền, tạo những chuyển biến, kết quả tích cực trong công tác này.  

Thủ tướng nêu rõ, 4 dự án luật được thảo luận tại phiên họp đều hết sức quan trọng, có phạm vi, đối tượng rộng, nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định. Đây là những dự án luật rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội sau đại dịch và trước những cú sốc từ bên ngoài do những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc Phiên họp

Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc Phiên họp

Các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị, trình các dự án luật một cách khẩn trương, nghiêm túc. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tiếp tục cho ý kiến vào các dự án luật này trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các vướng mắc trong thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện các dự án luật bảo đảm tiến độ, chất lượng để trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Sửa đổi Luật đất đai để tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển

Sau khai mạc phiên họp, Chính phủ đã nghe tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ tập trung thảo luận đối với nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như: các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp...

Kết luận nội dung thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, liên quan nhiều luật và trên thực tế thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc. Thủ tướng yêu cầu bộ chủ trì soạn thảo Luật tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng mà Luật tác động để hoàn thiện, trình Quốc hội vào tháng 9/2022.

Thủ tướng chỉ đạo Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển; giảm thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức; đảm bảo kế thừa, phát triển Luật Đất đai cũ và các luật, quy định liên quan; đảm bảo tính hệ thống, liên thông, đồng bộ giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật liên quan. Nội dung Luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý đất đai, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực; chống cơ chế "xin-cho"; song phải có công cụ để tăng cường giám sát kiểm tra, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để uốn nắn.

Các Thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp

Các Thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp

Bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, tránh hệ quả lâu dài cho xã hội

Đi vào các vấn đề cụ thể của Dự án Luật, đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, Thủ tướng đề nghị cần cụ thể hóa trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất, tránh tình trạng lạm dụng các trường hợp phát triển kinh tế để thu hồi đất, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là thu hồi cho dự án nhà ở thương mại.

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, Thủ tướng thống nhất với phương án phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay.

Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, tránh hệ quả lâu dài cho xã hội.

Về thành lập Quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động, Thủ tướng cho rằng có thể giao chức năng này cho địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ, nhằm giúp các đối tượng không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động khi nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ một lần mà không có điều kiện quản lý khoản tiền này hiệu quả, không có thu nhập thường xuyên để ổn định cuộc sống. Cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể để có cơ sở thực hiện linh hoạt.

Đối với nội dung về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai, Thủ tướng thống nhất, việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường là cần thiết.

Tuy nhiên, cần giao quyền chủ động cho địa phương để xác định phương thức hỗ trợ đối tượng này phù hợp với thực tế của từng địa phương, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất này công khai, minh bạch, tránh cơ chế “xin-cho."

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Đối với nội dung về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm,” Thủ tướng chỉ rõ quy định này nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời.

Về cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, Thủ tướng cho biết đã được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 18-NQ/TW là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đây là vấn đề phức tạp, nên tiếp tục đánh giá thêm tác động về các nội dung liên quan đến chính sách này.

Đối với nội dung về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu bổ sung thêm vào Luật hiện hành quy định về hạn chế và kiểm soát được việc tiếp cận các khu vực trọng yếu, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh…

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh