CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Sự thật về tác dụng của "mũ chống dịch" Covid-19

"Mũ chống dịch" thực chất là mũ vải bình thường, phần vành mũ được gắn thêm một tấm nhựa trong suốt có thể che toàn bộ khuôn mặt của người đội. Theo ghi nhận, trên thị trường hiện nay có loại cho trẻ em và người lớn với nhiều mẫu mã đa dạng, giá cả giao từ 90.000 – 400.000 đồng/chiếc.

Theo quảng cáo của một số người bán hàng, loại mũ này có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống Covid-19 ở thời điểm này. Vì thế, tại TP.HCM và Hà Nội, người dân đổ xô nhau đi mua.

Sự thật về tác dụng của "mũ chống dịch" Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân TP.HCM ồ ạt đi mua "mũ chống dịch" Covid-19. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Theo chị Thanh Thảo, người bán "mũ chống dịch" tại đường 3 tháng 2 (Q.10, TP.HCM), vài ngày nay chị mới nhập mũ về bán nhưng mỗi ngày bán được cả trăm chiếc, giá 90.000 đồng/chiếc. Đây là sản phẩm được sản xuất, gia công tại Việt Nam nên giá rẻ.

“Mũ này có thể ngăn vi khuẩn khi nói chuyện, tránh nước bọt bắn vào mặt nhưng mọi người vẫn nên đeo thêm khẩu trang cho an toàn. Bản thân tôi đầu tiên cũng tìm mua cho con, sau có mối mà thấy nhiều người cần nên nhập về bán chia sẻ cho cộng đồng chống dịch Covid-19”, chị Thảo nói.

Anh Hậu, chủ một điểm bán mũ trên đường 3 tháng 2 (Q.10, TP.HCM) cho biết: “Những ngày gần đây thấy khách đến hỏi nhiều nên tôi nhập thêm về bán cùng các sản phẩm khác chứ không rõ tác dụng chống dịch cụ thể như thế nào”.

Chị Ngọc Anh (ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Thấy mọi người trong cơ quan bảo mũ này đa dụng, vừa chống virus, vừa chống mưa, chống nắng được nên tôi cũng mua theo. Dịch bệnh đang diễn biến như thế này, không biết chống được không nhưng cứ mua cho an tâm cái đã”.

Hiện tại, chiếc mũ thần thánh mà người bán hàng tung hô và người dân đổ xô đi mua mấy ngày nay có chống được vi khuẩn, virus hay có chống được virus corona hay không thì chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều này.

Trước đó, tại Hàn Quốc, sản phẩm mũ này cũng đã gây sốt một thời gian dài. Giá của mỗi sản phẩm là 16.000 won (tương đương hơn 300.000 đồng). Thậm chí, trên một số trang mua sắm trực tuyến, chiếc mũ còn được săn đón đến mức cháy hàng.

Sự thật về tác dụng của "mũ chống dịch" Covid-19 - Ảnh 2.

Trên 1 website nước ngoài, sản phẩm "mũ chống virus corona" được bán với giá khoảng 400.000 đồng/chiếc. (Ảnh chụp màn hình).

Trao đổi với Dân Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, sản phẩm mũ có gắn thêm tấm chắn nhựa bán trên thị trường hiện nay chỉ là công cụ để tăng cường lớp bảo vệ, ngăn chặn giọt bắn tiếp xúc với đường hô hấp. Nói cách khác, sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ, chống giọt bắn chứ không thay thế được khẩu trang.

Virus corona được cho là có thể tồn tại nhiều giờ trên bề mặt của vật thể, nếu vô tình chạm tay vào khu vực đó, chúng ta có thể mang mầm bệnh theo mình mà không hề hay biết. Do đó, để chặn đứng con đường virus xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng, mũi và mắt, việc rửa tay thường xuyên và sạch sẽ là hết sức quan trọng.

Bác sĩ Khanh cho rằng, mọi người có thể đeo khẩu trang và đội thêm mũ để tăng sự đảm bảo. “Mũ chống vi khuẩn” cũng là món phụ kiện đa năng: Có tính thẩm mỹ, chống được nắng, góp phần ngăn chặn vi khuẩn và bụi, hơn nữa có thể tái sử dụng.

Trong các khuyến cáo phòng lây nhiễm virus corona hiện nay, Bộ Y tế đều khuyên người dân nên rửa tay thật kỹ bằng xà phòng thường xuyên, nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Tay chúng ta cầm nắm các đồ dùng chung như tiền, tay nắm cửa, chỗ vịn trên xe, ly tách, chén bát, đũa muỗng, thìa chung ở quán ăn, quán nước... rồi trực tiếp cầm nắm đồ ăn sau đó đưa vào miệng, virus cũng vào miệng theo.

“Đối với các bệnh lây qua đường hô hấp, cách tốt nhất là tuân theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới: Dùng khẩu trang và đặc biệt lưu ý việc rửa tay đúng cách trước khi cầm nắm thức ăn hay dụng cụ đưa vào mũi miệng và không lấy tay hay khăn bẩn lau mắt”, bác sĩ Khanh nói.


Theo Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh