CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

Sự thật về bệnh "viêm cánh"

Ảnh minh họa.

Mới cưới nhau được 2 tháng nhưng vợ chồng anh Hòa (30 tuổi, Hà Nội) đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Nguyên nhân xuất phát từ căn bệnh hôi nách của anh. Hòa tâm sự: “Hàng ngày vợ đứng xa tôi vài mét, tối ngủ chung, cô ấy nhất quyết bắt tôi tắm rửa sạch sẽ mới được leo lên giường. Bực mình nhất là cô ấy đòi mua thêm một tủ đựng quần áo để đồ riêng vì sợ lây mùi hôi nách từ tôi. Cô ấy xem tôi như người mắc bệnh truyền nhiễm vậy”.

Cùng chung cảnh ngộ, Nguyễn Trang (27 tuổi, Bắc Ninh) luôn mặc cảm vì mùi cơ thể của mình mặc dù cô đã hết sức chú ý ngăn chặn mùi tốt nhất. Chính nỗi mặc cảm ấy khiến cô không dám yêu ai dù đã đến tuổi khiến bố mẹ lo lắng.

Hôi nách không lây

Theo TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành Da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội: “Nguyên nhân sâu xa gây nên hôi nách là do tuyến mồ hôi hoạt động quá mạnh, tiết ra nhiều dầu và chất béo. Khi kết hợp với nhóm vi khuẩn định cư ở đây sẽ sinh ra mùi hôi khó chịu”.

Khi được hỏi về khả năng lây của bệnh bác sĩ Cao Xuân Phúc, Học viện Quân y 103, khẳng định: "Hôi nách không phải là căn bệnh truyền nhiễm, hoàn toàn không thể lây do mặc chung quần áo hoặc tiếp xúc cơ thể trực tiếp với nhau. Chỉ những người có tuyến mồ hôi có quá nhiều dầu và béo mới bị chứng bệnh này".

Có thể di truyền

Theo các chuyên gia, yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân gây nên hôi nách. Do đó, dù người bị hôi nách đã điều trị căn bệnh dứt điểm nhưng tới con cái của họ vẫn có thể mắc bệnh.

TS Phong cho hay, không cứ nhất thiết bố mẹ bị hôi nách, con cũng bị. Kiểm nghiệm lâm sàng cho thấy, nếu cả cha và mẹ đều bị hôi nách thì tỷ lệ đời sau mắc bệnh là 85% trở lên, nếu chỉ cha hoặc mẹ thì con số này là 50%.

Hôi nách cũng có thể trầm trọng hơn do thói quen sinh hoạt như lười tắm giặt, mặc áo chật, bó. Nhiều người hay dùng dao cạo lông nách làm phì đại nang lông, tăng sự bài tiết chất béo trên bề mặt da. Do đó, nếu không muốn tình trạng mùi hôi nghiêm trọng hơn, cần hạn chế làm kích ứng da vùng nách.

Ngoài ra, các thực phẩm như hành, tỏi, thức ăn cay nóng, thực phẩm có chứa caffein cũng được xếp vào nhóm nguyên nhân gây bệnh.

Có thể điều trị dứt điểm?

Hiện nay có nhiều cách để điều trị như: Uống thuốc, phẫu thuật, chiếu laser, tiêm botox. Mục đích là giảm hoạt động hoặc bớt các tuyến mồ hôi. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ phù hợp với những bệnh nhân bị hôi nách nặng, gây cản trở việc sinh hoạt bình thường.

Theo các chuyên gia da liễu, mồ hôi là sinh lý của cơ thể, do vậy không nên và không thể tiêu diệt vĩnh viễn những tuyến này.

Để hạn chế mùi khó chịu, bạn có thể dùng xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh vùng da dưới cánh tay. Mặc quần áo rộng làm mồ hôi dễ bay hơi. Hạn chế ăn gia vị, chất kích thích như hạt tiêu, tỏi, hành, cà phê, rượu để tránh việc tiết mồ hôi.

Với những người hay vận động, tập thể thao, ra nhiều mồ hôi, cần tắm rửa, thay quần áo sau khi vận động mạnh.

Một số biện pháp sát khuẩn ngoài da cũng tương đối hiệu quả, làm giảm đáng kể mùi hôi nách. Với những trường hợp bị hôi nách nhẹ, bạn chỉ cần chú ý vệ sinh, mùi hôi có thể biến mất.

 

MỘT SỐ BIỆN PHÁP DÂN GIAN TRỊ HÔI NÁCH:

 Kem đánh răng: Chà xát kem đánh răng lên vùng da nách dưới cánh tay từ 2-3 phút là có thể giảm, khử mùi hôi. Để có hiệu quả tốt nhất, nên áp dụng phương pháp này đều đặn mỗi ngày, sau khi tắm xong.

 Gừng tươi:  Dùng nước gừng tươi giã nhuyễn bôi vào nách, một ngày vài lượt. Phèn chua: Cho 50 gram phèn chua vào trứng, dùng lửa nhỏ hơ đến khi phèn chảy nước, rồi đợi  cứng lại, giã nhuyễn thành bột, bôi vào nách, ngày 2 lần, có tác dụng giảm nhẹ, điều trị kiên trì có thể chữa khỏi bệnh.

Lá trầu không: Giã nát lá trầu không, chắt lấy nước rồi lau qua vùng nách kết hợp các động tác massage xoa đều xung quanh. Thực hiện lúc trước khi đi ngủ, rửa lại thật sạch vào sáng ngày hôm sau. Để đạt kết quả cao, nên thực hiện đều đặn khoảng 2-3 lần/tuần.

Thanh Thanh (tổng hợp theo Zing.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh