Sự lựa chọn của lịch sử, của nhân dân
- Tây Y
- 23:42 - 30/12/2018
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng vừa là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một tất yếu phù hợp với yêu cầu đổi mới của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Thực tế trong đời sống thế giới đương đại cho thấy, mô hình thể chế chính trị được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Mô hình người đứng đầu Đảng chính trị đồng thời đứng đầu Nhà nước đã được hiện thực hóa ở nhiều nước kể cả các quốc gia đang xây dựng chủ nghĩa xã hội lẫn các quốc gia đang phát triển tư bản chủ nghĩa. Đối với cách mạng Việt Nam, những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nắm giữ song trùng hai nhiệm vụ (Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng). Trong thời gian đó, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức giành được nhiều thắng lợi to lớn. Vì thế, việc "nhất thể hóa" này không xa lạ với Việt Nam và cũng là xu thế khá phổ biến của thế giới hiện nay.
Việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là ghi nhận sự trưởng thành của Đảng ta trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập phát triển ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Một người nắm giữ hai chức vụ này sẽ tạo ra sự chủ động cao hơn trong điều hành, lãnh đạo, tạo sự liên thông, trực tiếp, hiệu lực, hiệu quả trong công việc của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và nhìn rộng hơn sẽ là động lực "đầu kéo" cho việc đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đang được cả xã hội quan tâm, trong đó có mô hình lồng ghép chức danh lãnh đạo của cấp ủy với chính quyền do một người đảm nhiệm. Khi người đứng đầu Đảng và Nhà nước là một thì nhiệm vụ xử lý những công việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ nhanh hơn, ứng phó kịp thời với những bất trắc vì không phải qua nhiều quy trình, nguyên tắc không cần thiết. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc người đứng đầu Đảng và Nhà nước là một sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam tránh những phức tạp, nhạy cảm trong ngoại giao vì khác nhau về thể chế chính trị, giảm bớt chi phí, thích ứng phù hợp với tập quán, thông lệ, văn minh chính trị, pháp lý thế giới hiện đại. Mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước thực sự là một đột phá, thay đổi về chất, tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác đối nội, đối ngoại, đặc biệt nâng cao vị thế, tính pháp quyền và chính danh của Đảng, Nhà nước trong quan hệ quốc tế.
Hai chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước được giao cho một người nhưng không có nghĩa là gộp hai chức vụ này là một. Đây là hai chức vụ khác nhau. Tổng Bí thư có trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu Đảng về công tác Đảng, về tổ chức và hoạt động của Đảng cầm quyền. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thay mặt cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật. Hai chức vụ này có quyền hạn, nhiệm vụ rất rõ ràng. Một bên do Điều lệ Đảng quy định, một bên do Hiến pháp và Luật quy định. Việc Quốc hội khóa XIV tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước cũng hoàn toàn phù hợp với Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quá trình tổ chức thực hiện “nhất thể hóa” cũng đã diễn ra đúng quy định, trình tự, hiến định, bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến.
Là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền, đồng thời là Chủ tịch nước của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, điều này không những tạo nhiều thuận lợi để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa cấu trúc quyền lực của Nhà nước pháp quyền với Đảng cầm quyền để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, đồng thời để thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cầm quyền, pháp luật của Nhà nước qua vai trò điều phối, giữ cân bằng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong bộ máy Nhà nước.
Mỗi đất nước phải xuất phát từ điều kiện lịch sử, văn hóa, chính trị và mục tiêu phát triển của mình để kiến tạo một bộ máy điều hành, lãnh đạo, quản lý đất nước cho phù hợp, hiệu quả, nhưng đồng thời phải bảo đảm hài hòa, phù hợp với xu thế, quy luật, bối cảnh của thế giới. Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội khóa XIV bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước là phù hợp cả về thời gian, con người, lòng dân và xu thế phát triển của thời đại. Cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là người luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, là người tạo được niềm tin cho nhân dân với Đảng, là người có tầm nhìn, tính kiên định và sự thích ứng... Cử tri cả nước đã tin tưởng, sự tín nhiệm rất cao của đại biểu Quốc hội (476/477 đại biểu có mặt bỏ phiếu bầu) cho thấy sự đồng thuận, thống nhất, niềm tin, kỳ vọng của cả xã hội đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Thế nước, lòng dân, vận Đảng đang là những điều kiện cần và đủ để Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng với Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam hướng tới những thành công mới. Dù phía trước vẫn còn muôn vàn khó khăn, thách thức, song với những gì mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng, nhất là với công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thời gian qua đã thực sự lấy lại được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Một khi được dân tin, dân theo, dân ủng hộ thì nhiệm vụ khó khăn gì cũng sẽ vượt qua. Lời Tuyên thệ "Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã, đang được nhân dân tin tưởng, kỳ vọng và dõi theo một sự khởi sắc mạnh mẽ mới của đất nước, một Việt Nam thực sự sánh vai cùng các nước trên thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là sự lựa chọn của lịch sử, phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế và trên tất cả là tiếng gọi của non sông, sự tín nhiệm và mong mỏi, kỳ vọng của lòng dân.