CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:03

Sử dụng tần số trái phép có thể bị phạt tù 5 năm

 

Điện thoại không dây kéo dài DECT 6.0 không được phép sử dụng tại Việt Nam bị phát hiện khi nhập khảu qua Tân Sơn Nhất vào ngày 26/1/2016. Ảnh:Cổng thông tin Cục Tần số Vô tuyến điện
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10. Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Trong các tội danh mới được bổ sung vào Bộ luật Hình sự sửa đổi, có 2 tội danh về lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
Trong đó, quy định người nào sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh vào mục đích khác (điều 293) hoặc người nào cố ý gây nhiễu có hại, cản trở hoạt động bình thường của hệ thống thông tin vô tuyến điện (điều 294), nếu gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng quy định: vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức, hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên, hoặc tái phạm nguy hiểm.
Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm trong quản lý tần số vô tuyến điện ngày càng gia tăng, nhiều nhất là vi phạm trong việc sử dụng điện thoại không dây kéo dài DECT 6.0 không đạt chuẩn và sử dụng trạm kích sóng di động trái phép gây can nhiễu mạng di động.
Mới đây nhất, ngày 26/1/2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã yêu cầu 2 hành khách làm thủ tục tái xuất 7 điện thoại không dây (hay còn gọi điện thoại mẹ bồng con) chuẩn DECT 6.0. Đây là loại điện thoại không được sử dụng tại Việt Nam, vì hoạt động trong dải tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện của Việt Nam, khi sử dụng sẽ gây can nhiễu cho mạng di động 3G.
Cụ thể, trong quá trình các hành khách trên kê khai hàng hóa, làm thủ tục hải quan, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu - Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã phát hiện trong hành lý của 2 hành khách là Việt kiều từ Mỹ về Việt Nam mang theo một số điện thoại mẹ bồng con. Xác định đây là chủng loại thiết bị vô tuyến điện nhập khẩu có điều kiện, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất  đã đề nghị Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II phối hợp xác định chủng loại hàng hóa và các tham số kỹ thuật của thiết bị.
Qua kiểm tra và đo đạc cho thấy các thiết bị này đều là điện thoại không dây theo chuẩn DECT 6.0, hoạt động trong dải tần số từ 1921,536MHz đến 1928,448MHz. Đây là loại điện thoại không được sử dụng tại Việt Nam, vì hoạt động trong dải tần số trùng với một đoạn băng tần số đã cấp phép cho mạng di động, khi sử dụng sẽ gây can nhiễu cho mạng đi động 3G. Trên cơ sở đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã yêu cầu 2 khách hàng nói trên phải làm thủ tục tái xuất theo quy định.
Hai hành khách này cho biết: Tại thị trường Mỹ, loại điện thoại này được sử dụng phổ biến và có giá khá rẻ (khoảng 60 USD/bộ). Rất nhiều người không biết các thiết bị DECT 6.0 không phù hợp để sử dụng tại Việt Nam, nên đã mua về làm quà tặng cho người thân.
Từ năm 2010 đến nay, tại  25 tỉnh, thành phố trên cả nước xảy ra nhiều vụ can nhiễu mạng di động 3G, do người dân sử dụng thiết bị phát sóng chuẩn DECT 6.0 gây ra, bao gồm các loại điện thoại không dây, thiết bị giám sát em bé, tai nghe không dây. Tính đến cuối năm 2015, các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực đã kiểm tra và xử lý gần 3.500 thiết bị phát sóng chuẩn DECT 6.0 gây nhiễu cho trên 1.200 trạm phát sóng di động tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh