Sử dụng hộ chiếu điện tử là xu hướng tất yếu trong CMCN 4.0
- Tây Y
- 00:46 - 29/05/2019
Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
Chiều 28/5, trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc sản xuất và phát hành để đưa vào sử dụng hộ chiếu điện tử là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử (hộ chiếu có gắn chíp điện tử). Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản luật điều chỉnh về loại hộ chiếu này.
Do đó, việc xây dựng Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, cấp, quản lý và sử dụng hộ chiếu điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xuất cảnh, nhập cảnh, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu điện tử.
Về tạm hoãn xuất cảnh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật quản lý thuế và tình hình hiện nay, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Cụ thể, tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự…
Tuy nhiên để tránh việc lạm dụng, tùy tiện trong việc áp dụng các biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh…
Theo đó, dự thảo Luật quy định chỉ tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; người có nghĩa vụ trong vụ án hình sự, dân sự, kinh tế nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc việc thi hành án…
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật này với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Về cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành, theo ông Việt, có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian cấp các loại hộ chiếu; bổ sung vào Điều 13 quy định trình tự, thủ tục cấp hộ chiếu lần đầu cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài cấp bách phải nhập cảnh Việt Nam; bổ sung những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục cấp giấy thông hành, sau đó mới giao Chính phủ quy định chi tiết hoặc quy định đầy đủ, cụ thể ngay trong Luật về trình tự, thủ tục cấp giấy thông hành.
Ủy ban QPAN thấy rằng, thời hạn cấp các loại hộ chiếu quy định trong dự thảo Luật đang kế thừa quy định hiện hành, thậm chí thời hạn cấp hộ chiếu phổ thông tại nước ngoài (08 ngày) kéo dài hơn so với quy định hiện hành (05 ngày). Đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu rút ngắn thời gian cấp hộ chiếu để nhanh chóng về nước khi có người thân ở trong nước bị tai nạn, bệnh tật, từ trần… là xác đáng.
Còn việc cấp giấy thông hành để phục vụ qua lại các nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam đang thực hiện theo các thỏa thuận song phương khác nhau, nên không thể đưa vào quy định đầy đủ, cụ thể ngay trong dự thảo Luật này.
Việc bổ sung những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục cấp giấy thông hành và giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp với nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 33 (tháng 4/2019), nâng cao giá trị pháp lý của các quy định này, bảo đảm sự thống nhất trong việc quy định trình tự, thủ tục cấp các loại giấy tờ xuất nhập cảnh và phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trên cho phù hợp.