Sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào ít tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long
- Tây Y
- 02:20 - 26/07/2018
TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, những ngày sắp tới sẽ có mưa nhiều, nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và các loại hình thiên tai nguy hiểm có thể xảy ra khi kết cấu hạ tầng địa chất đã no nước.
Sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào khiến nhiều người lo lắng.
Về câu hỏi sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào có ảnh hưởng đến Việt Nam hay không, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho biết: Sự cố vỡ đập ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam. Chúng ta cần tổng rà soát đánh giá các hồ chứa thuỷ điện thuỷ lợi trước mùa mưa lũ. Ngay sau khi nhận thông tin sự cố ở Lào, các cơ quan đã tính toán đưa ra nhận định: Mực nước dâng ở khu vực này khoảng 5-10cm. Theo tính toán, sau 4-5 ngày lượng nước từ đập vỡ ở Lào sẽ về đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sự cố vỡ đập ở Lào ít tác động đến ĐBSCL.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với thiên tai, BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát một lần nữa toàn bộ hệ thống hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi để đánh giá kỹ lưỡng an toàn hồ chứa, đập thuỷ điện, đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi thừa nhận, các hồ chứa nhỏ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các hồ chứa đang xuống cấp hoặc đã đầy nước. Để giảm bớt rủi ro, từ năm 2003 đến nay, Chính phủ đã đầu tư sửa chữa 230 hồ chứa lớn. Tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao lại đến từ hồ chứa nhỏ, đây là vấn đề lớn cần được quan tâm và có giải pháp căn cơ.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nguy cơ sự cố từ các hồ chứa nhỏ là rất lớn, cần tăng cường, kiểm tra và có kịch bản ứng phó linh hoạt. Đặc biệt, không được chủ quan. EVN tăng cường kiểm tra, rà soát lượng nước tại các đập thủy điện, thực hiện nghiêm lệnh của Trưởng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai trong việc điều tiết nước tại các hồ chứa. Các địa phương có phương án ứng phó kịp thời, không để thiệt hại đến tính mạng, tài sản.