CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:16

Sự cố môi trường từ Công ty Formosa: Hỗ trợ sinh kế cho ngư dân bị ảnh hưởng

* Trước sự việc ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố ô nhiềm môi trường, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động nắm bắt thông tin và có giải pháp sinh kế gì cho ngư dân, thưa Thứ trưởng?

- Trước khi có thông tin Formosa đền bù số tiền 500 triệu USD vì sự cố này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có chuyến thị sát và làm việc với UBND Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị để nắm tình hình khó khăn của ngư dân bị ảnh hưởng của sự cố cá chết bất thường. Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục làm việc để nắm thêm tình hình thiệt hại và nguyện vọng của ngư dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Điều quan trọng nhất mà Bộ trưởng quan tâm là sinh kế của người dân vùng biển sẽ ra sao và các giải pháp hỗ trợ trong tình hình khó khăn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thống nhất với các tỉnh về việc cần phải có một Đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làmxuất khẩu lao động. Trên nguyên tắc, những vấn đề thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ triển khai ngay. Còn vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ quyết định, Bộ sẽ khẩn trương xin ý kiến.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp.

* Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể chính sách hỗ trợ sinh kế cho ngư dân sẽ được triển khai như thế nào?

- Như đã nói ở trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thống nhất với các tỉnh là cần phải có đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm và XKLĐ. Về nhóm giải pháp XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất áp dụng 4 chương trình do Bộ và các doanh nghiệp đang thực hiện. Theo đó, những chương trình do Bộ triển khai với chi phí thấp sẽ hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng. Thứ nhất là Chương trình EPS (vừa ký kết lại đầu tháng 5/2016), chỉ tiêu năm nay là 3500 nhưng sẽ dành ưu tiên cho các huyện ven biển bị ảnh hưởng; một số huyện có lao động cư trú bất hợp pháp cũng sẽ được ưu tiên tham gia. Thứ hai là chương trình IM Japan (Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản). Đây là chương trình có chi phí thấp, nếu NLĐ đủ điều kiện sức khoẻ, ngoại ngữ sẽ được học 6 tháng - tất cả chi phí học đó do tổ chức Nhật Bản tài trợ. Lương làm việc tại Nhật Bản khoảng 800 - 1.000 USD. Mỗi năm làm việc về nước thì tổ chức IM Japan hỗ trợ 2000 USD, trong 3 năm sẽ được 6.000 USD. Ngoài ra Bộ còn triển khai hai chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật Bản và CHLB Đức. Con em của các tỉnh này đáp ứng được điều kiện mà mong muốn tham gia thì Bộ cũng hỗ trợ tham gia chương trình. Cũng phải nói thêm, việc XKLĐ đi Hàn Quốc ngoài Chương trình EPS còn có chương trình tàu cá gần bờ. Bộ sẽ tập trung hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung và sẽ giao cho Trưởng ban Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đàm phán với đối tác để có thêm chỉ tiêu. Thứ hai là khai thác gần bờ Đài Loan (Trung Quốc). Mong muốn của chúng tôi không phải là chuyển toàn bộ những lao động này sang làm việc khác, bởi người dân ở biển sống được nhờ nguồn sinh kế của biển. Trong thời gian trước mắt, một vài năm có thể làm việc ở vùng biển khác rồi sau đó quay trở lại.

Tôi xin thông tin thêm hợp tác thoả thuận giữa Việt Nam và Thái Lan đã xong. Mới đây Thái Lan cũng thông báo, từ 1/7/2016 Thái Lan sẽ chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam, trước hết là hai nghề đánh bắt gần bờ và xây dựng. Các số liệu khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, lao động ở 4 tỉnh trên chiếm phần lớn nhân lực đang làm việc tại Thái Lan. Nếu lao động ở vùng này có nguyện vọng, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ tạo điều kiện tối đa cho họ. Ưu điểm ở thị trường lao động Thái Lan là chi phí thấp, khoảng cách gần, không có phí môi giới. Bộ LĐ-TB&XH đang chỉ đạo 6 doanh nghiệp và 4 trung tâm dịch vụ việc làm đang thí điểm làm dịch vụ này giảm thiểu tối đa phí cho lao động.

Ngư dân tại cảng cá Cửa Việt (Quảng Trị).   Ảnh: Trần Tĩnh

Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động thuộc hộ nghèo ở các huyện bị ảnh hưởng sẽ được hưởng cơ chế như đối tượng trong Quyết định 71/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ lao động các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, khi tham gia XKLĐ, NLĐ sẽ được miễn phí đào tạo ngoại ngữ, tiền ăn ở trong thời gian học định hướng và các chính sách khác có thể áp dụng được.

* Lao động sẽ được chuyển đổi nghề trong bao lâu, thưa Thứ trưởng?

- Tôi phải nói lại là những ngư dân thì phải sống được nhờ biển, sinh kế từ biển. Như vậy việc chuyển đổi hoàn toàn tất cả những người dân bị ảnh hưởng sang nghề khác có lẽ là câu chuyện không khả thi và cũng không nên làm.

Như tôi đã nói, chúng tôi sẽ khai thác với các đối tác có thể chuyển những người đang bị ảnh hưởng đánh bắt gần bờ chuyển sang vùng biển khác. Đến khi nào vùng biển miền Trung trở lại bình thường thì họ quay trở lại sống bám biển.

Đối với một bộ phận khác có nhu cầu chuyển đổi nghề sẽ phải nghiên cứu phương án sát thực nguyện vọng của người lao động và nhu cầu thực tế của thị trường. Tôi nghĩ rằng không phải tất cả những người dân bị mất sinh kế đều chuyển sang làm cho các doanh nghiệp. Họ có thể có việc làm khác cho chính bản thân họ. Trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH địa phương cũng phải nghiên cứu các phương án đào tạo việc làm phù hợp với điều kiện người lao động tại đó. Chương trình quốc gia về đào tạo, việc làm, dạy nghề, XKLĐ sẽ ưu tiên hỗ trợ cho người lao động tại các địa phương này.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

THIỀU VĂN LÝ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh