“Sống trong quân ngũ…”
- Y học 360
- 21:07 - 13/05/2016
“Sống trong quân ngũ” là chương trình được phát sóng trên kênh truyền hình Quốc Phòng Việt Nam. Là tiếng nói của quân đội, nhưng chương trình ấy không ngại ngần đề cập đến cả những giây phút yếu đuối của những người lính.
Điểm nhấn là những cảnh quay về người lính hải quân, về những cuộc huấn luyện đổ bộ. Có khi đó là hành trang nặng 40kg, người chiến sĩ khoác trên lưng rồi nhảy xuống nơi và tiếp cận một bãi rừng ngập mặn – nơi mục tiêu chiến đấu.
Sâu sắc hơn là những phút giây bơi đều đặn theo đội hình. Rồi bỗng một người tụt lại. Người lính loay hoay trên biển, chiếc ba lô đã ngập xuống nước nặng thêm nhiều phần. Những đồng đội vẫn bơi theo đội hình. Người đại đội trưởng chỉ huy cuộc huấn luyện trên ca nô cuối cùng phải nhảy xuống để cùng đưa anh lính ấy vào bờ. Câu chuyện rất đơn giản, nhưng nhìn nét mặt của người lính loay hoay trên biển ấy, tôi thấy hình ảnh của một con người.
Bao nhiêu năm người lính đã được xây dựng như những tượng đài sắt đá; nhưng cuối cùng, họ vẫn là những thanh niên đôi mươi. Trong chương trình ấy, những tân binh vẫn khóc vì nhớ bố mẹ ở quê. Có lúc họ chệch choạc là điều tất nhiên.
“Sống trong quân ngũ” khiến tôi nhớ một vị sỹ quan ngồi cạnh mình trên chuyến bay từ Moscow về Hà Nội. Anh đi Belarus tiếp nhận công nghệ tên lửa. Chúng tôi nói chuyện nhiều. Rồi buổi sáng, anh đánh thức tôi dậy. “Về đến bầu trời Việt Nam rồi em” – anh nói, rồi nhìn ra cửa sổ - “Bỗng nhiên không thấy bình yên nữa”. Nếu phải nói thay cho vị sỹ quan ấy với tư cách một người dân, tôi sẽ nói rằng anh không hề muốn phải sử dụng kiến thức của mình để bắn một quả tên lửa nào lên bầu trời.
Và, khi nói đến “bảo vệ chủ quyền” người ta dễ nghĩ đến các lực lượng quân sự. Nhưng hễ cứ mở tivi để nhìn vào các gương mặt lính tôi lại muốn xua tan ý nghĩ ấy đi. Hai năm trước, khi dàn khoan kéo vào, rất nhiều ý kiến khẳng định rằng để bảo vệ chủ quyền thì phải có “nước mạnh”. Tức là tập trung phát triển kinh tế và tăng cường tiếng nói của Việt Nam trên quốc tế. Nghĩa là trách nhiệm đấu tranh thuộc về ngay cả mỗi con người bình thường trong chúng ta; chứ không chỉ là những chàng thanh niên cầm súng ngoài xa kia.