CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:51

Sông Tô Lịch hết mùi trong 3 ngày: Khả thi hay chỉ là "nổ"?

 

Các kỹ sư Nhật Bản thi công lắp đặt thiết bị làm sạch nước sông Tô Lịch. Ảnh: Ngọc Hải

 

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn: Đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, giải quyết trước mắt những bức xúc về môi trường chứ không phải là giải pháp mang tính lâu dài, bền vững.

“Dù công nghệ hiện đại đến đâu thì về nguyên tắc muốn duy trì việc khử mùi, giảm mùi, chúng ta phải thường xuyên bổ sung các vi sinh hoạt động liên tiếp. Mà việc làm này tôi e là khó khả thi bởi chỉ khi môi trường sạch thì mới là điều kiện tốt nhất cho các vi sinh vật có lợi hoạt động hiệu quả” – PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Côn, muốn làm sạch nước sông Tô Lịch theo hướng bền vững, cần phải đảm bảo được 3 yếu tố:

Thứ nhất, phải gom được hết nước thải từ các nguồn, đưa về các trạm phân tán bố trí dọc theo lòng sông để xử lý trước khi đưa nước đổ về sông. “Cũng giống như chúng ta diệt sâu bọ hay các mầm mống gây bệnh, thì phải bắt đầu từ gốc rễ của vấn đề. Nếu ngày nào nguồn nước thải ô nhiễm từ khắp nơi còn đổ về sông thì chừng đó mọi công nghệ đều trở nên bất lực” – ông Côn cho hay.

Thứ hai, sau khi đã xử lý được nguồn nước thải thì phải đảm bảo mực nước sông luôn duy trì ở mức 1-1,5m. Đây là mực nước tối thiểu đảm bảo hệ sinh thái dưới lòng sông có thể sinh sôi, phát triển và là điều kiện tiên quyết để dòng sông có cơ chế tự làm sach. Nếu cứ để lòng sông cạn trơ đáy như hiện nay thì không một sinh vật nào sống nổi và sông Tô Lịch mãi mãi là dòng sông chết.

Thứ ba, việc quản lý sử dụng dòng sông sau khi làm sạch cũng phải được tính toán sao cho hợp lý và tiện dụng nhất. Có thể tính tới phương án đấu thầu cho các doanh nghiệp tận dụng một phần diện tích của dòng sông để kinh doanh, nhưng Nhà nước vẫn phải đảm bảo công tác quản lý và có chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng với hệ sinh thái cũng như cảnh quan chung của dòng sông.

 

Với công nghệ Nano-Bioreactor, một đoạn sông Tô Lịch sẽ giảm bớt mùi hôi, tiến tới lộ trình làm sạch trong vòng 2 tháng. Ảnh: Ngọc Hải

 

Trước đó như Dân Việt đã thông tin: sáng 16/5, thành phố Hà Nội đã khởi động "dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor".

Theo đó, các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn. Hiện thời gian các hộp thiết bị phát huy tác dụng và kinh phí thí điểm chưa được công bố.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch tổ chức xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ trên đã được sử dụng thành công trong nhiều dự án xử lý ô nhiễm cho các con sông ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

 

Đoạn sông 300m được thí điểm làm sạch, nằm trên đường Hoàng Quốc Việt giao cắt với đường Bưởi. Ảnh: Ngọc Hải

 

"Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, sẽ xử lý căn cơ và triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch", ông Tadashi Yamamura nói.

Cũng theo ông Tadashi Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên. Chuyên gia cho biết, chỉ sau 3 ngày, mùi ô nhiễm sẽ giảm đáng kể.

Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Ngoài ra, hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh