THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:59

Sóng thần 15 m quét sạch tất cả nhà trên đảo ở Tonga

Báo Người lao động đưa tin, Daily Mail dẫn bản cập nhật đầu tiên của chính phủ Tonga ngày 18/1 cho biết ít nhất 3 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương sau khi con sóng thần cao 15 m do núi lửa phun trào dưới nước gây ra ập vào nước này.

Một hòn đảo ở Tonga bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Bộ Quốc phòng New Zealand

Một hòn đảo ở Tonga bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Bộ Quốc phòng New Zealand

Những người thiệt mạng bao gồm một phụ nữ 65 tuổi trên đảo Mango, một người đàn ông 49 tuổi trên đảo Nomuka và công dân Anh 50 tuổi tên Angela Glover trên đảo Tongatapu. 

Nhà chức trách địa phương cho biết toàn bộ ngôi làng trên đảo Mango đã bị sóng thần cuốn trôi, trong khi đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà. Đảo Namuka cũng ghi nhận "thiệt hại trên diện rộng". Một "cây nấm" khổng lồ bao phủ toàn bộ quốc đảo Thái Bình Dương này.

Các hoạt động cứu hộ như sơ tán các đảo Mango, Fonoifua và Atata đang được tiến hành. 

Liên lạc trong nước và quốc tế từ Tonga, với dân số 105.000 người, bị cắt đứt kể từ lúc thảm họa xảy ra hồi cuối tuần trước khi núi lửa Hunga-Tonga phun trào dữ dội, gây ra sóng thần, phủ tro bụi dày lên các hòn đảo gần đó và làm đứt cáp internet dưới biển kết nối nước này với thế giới bên ngoài.

Các nhân viên cứu trợ trên đảo chính Tongatapu cho biết số người chết tại đây có thể sẽ được hạn chế nhưng lo ngại số phận của hàng trăm người sống trên các hòn đảo xa xôi nhỏ hơn đang bị mất liên lạc.

Máy bay trinh sát của không quân Úc và New Zealand đã bay vòng quanh một số hòn đảo ở Tonga ngày 16/1. Quang cảnh "như mặt trăng bị bao phủ bởi lớp tro bụi dày", các tòa nhà bị san phẳng và người dân sống dưới những tấm bạt.

Nỗ lực viện trợ đang bị cản trở bởi thiệt hại đối với cảng và sân bay chính của hòn đảo cùng với chính sách Covid-19 nghiêm ngặt có thể khiến các chuyến hàng và nhân viên viện trợ bị cách ly để ngăn chặn "sóng thần Covid-19".

Tonga chỉ ghi nhận một trường hợp mắc Covid-19 chính thức-  một du khách đến từ New Zealand bị cách ly vào tháng 10 năm ngoái. Các bộ trưởng Tonga cảnh báo những người đồng cấp ở New Zealand và Úc - 2 nước đang điều phối nỗ lực viện trợ - rằng sẽ áp đặt biện pháp cách ly Covid-19 bắt buộc cho lực lượng cứu hộ.

Thông tin trên VOV cho biết, sau khi quần đảo Tonga bị sóng thần tấn công vào cuối tuần qua, Australia và New Zealand đã xúc tiến hỗ trợ với các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo chuyển tới quốc đảo ở phía Nam Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng New Zealand cho biết, 1 tàu hải quân mang theo thợ lặn, thiết bị và đồ cứu trợ đã rời khỏi nước này ngày 18/1 để đến Tonga. Trong ngày 19/1, một tàu khác mang theo nước sạch, đồ cứu trợ nhân đạo và thảm họa cũng sẽ lên đường tới Tonga.

Hiện tại, do khói bụi vẫn tiếp tục rơi xuống đường băng ở sân bay Nuku’alofa, công việc dọn dẹp bị đình trệ khiến việc tiếp cận Tonga bằng đường hàng không vẫn chưa thể thực hiện được.

Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta cho biết, vào lúc này New Zealand đang rất nỗ lực để nhanh chóng chuyển các hỗ trợ cần thiết đến Tonga: “Chúng tôi sẽ cung cấp các hỗ trợ cho Tonga như các bạn yêu cầu. Hôm nay, có hai tàu hải quân New Zealand trên đường đến hỗ trợ Tonga. Đồng thời, máy bay Hercules cũng sẽ sớm tới  Tonga khi sân bay và đường băng ở đó sẵn sàng”.

Trong khi đó, các tàu hải quân và máy bay của Australia cũng đang chuẩn bị đồ cứu trợ nhân đạo, thiết bị y tế, kỹ thuật để đưa đến Tonga. Australia cũng sẽ triển khai tàu khu trục HMAS Adelaide đến Tonga để làm nơi hạ cánh cho các máy bay trực thăng trong lúc thực hiện hoạt động cứu trợ nhân đạo. Công ty viễn thông lớn nhất Australia Telstra cũng đang phối hợp cùng với Bộ Ngoại giao Australia để có thể sớm đưa nhân sự tới hỗ trợ Tonga khôi phục đường truyền sớm nhất có thể.

MỘC MIÊN (Tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh