“Sóng ngầm” trong bình chọn hộ nghèo
- Y học 360
- 20:51 - 26/02/2016
Kỳ 1: Những ngôi nhà khuất ánh sáng
Ngôi nhà khang trang của hộ nghèo Nguyễn Văn Cường và căn nhà lụp sụp của gia đình bà Phạm Thị Quyết.
Không còn chỉ là sai, nhầm… trong việc bình xét hộ nghèo, mà việc tranh giành miếng cơm làm phúc cho người nghèo là những kế hoạch được “lên khuôn” sẵn.
Không thể… nghèo
Thôn Ngọc Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội đang bước vào giai đoạn đô thị hóa sôi động nhất, nhưng vẫn có những người khóc, cười thất thần giữa ngược xuôi xe cộ. Khi bố mất, Nguyễn Văn Tân cứ luôn mủm mỉm cười với khuôn mặt thất thần. Từ khi biết gọi “Mẹ ơi”, Tân đã có nụ cười tội nghiệp đó, Tân bị bệnh tự kỷ nhưng không được chữa trị nên giờ hóa thành chứng thiểu năng nhận thức, khách đến thắp hương cha, anh vẫn cứ mặc cái quần bị rách ở những chỗ mà ai thấy cũng đều đỏ mặt. Nhưng Tân còn khá hơn người anh là Nguyễn Chung Tuyến nằm liệt trong xó tối, giữa đống chăn màn như giẻ rách, khai nồng. Tuyến bị bệnh tâm thần, sợ ánh sáng từ nhỏ, đây là nơi cậu sống suốt mấy chục năm qua… Đó là hai con trai của bà Phạm Thị Quyết, chồng là ông Nguyễn Ngọc Tiền ra đi cách đây ít lâu, để lại 2 đứa con trì độn không biết khóc cha. Có lẽ thế mà khi chồng mất bà khóc nhiều, khóc như để thay phần đau đớn cho hai đứa con.
Sau khi ông Tiền mất, bà con lối xóm vẫn thường xuyên qua lại nhà bà Quyết hỏi thăm, chia sẻ, giúp đỡ nếu cậu con tâm thần “dở chứng”, vì cơ thể gầy còm của bà chẳng đủ sức giữ nổi đứa con vạm vỡ u dại. Những người láng giềng tốt bụng ai cũng ao ước gia đình bà Quyết được chọn làm hộ nghèo. Bà Quyết
* Gia đình bà Phạm Thị Quyết nghèo là do không biết cách tổ chức sản xuất, lười lao động. Ông Nguyễn Văn Ảnh - Chủ tịch UBND xã Liên Ninh * Một mình tôi với hai thằng con dại, cũng muốn đi làm thuê, làm mướn cho người ta nhưng rời nhà sao được? Nhà cũng chẳng có đất để mà trồng cấy. Bà Phạm Thị Quyết - người dân xã Liên Ninh |
cũng mong thế để những chủ trương, chính sách của Nhà nước, TP cụ thể bằng những viên thuốc cho con, những bát gạo cho bà và sự yên lòng của bà con lối xóm. Tuy nhiên, cán bộ thôn, xã lại không đưa gia đình bà vào diện hộ nghèo để trình lên trên xét duyệt. Ông Nguyễn Văn Ảnh - Chủ tịch UBND xã Liên Ninh cho biết: “Hộ gia đình này không đủ tiêu chuẩn hộ nghèo, bà Quyết có lương hưu, con lại có trợ cấp”. Bà Quyết là dân công hỏa tuyến rồi chuyển sang làm công nhân, giờ về hưu, lương hiện tại 2,5 triệu/tháng. Chồng bà trước đây nghỉ mất sức không có lương, phải chờ đủ 60 tuổi mới được hưởng lương (ông có lương chưa đầy năm thì mất), hai cậu con thì chỉ có Quyết có trợ cấp 500.000 đồng/tháng. Các cán bộ thôn chen thêm thông tin để khẳng định gia đình này “không thể nghèo được”: “Thằng cu Tân đi sửa điện nước thuê mỗi tháng cũng có 4 triệu đồng, chúng tôi điều tra kỹ càng rồi”. Không hiểu ông chủ nào gan dạ đến mức đưa người như Tân đi làm cái công việc tỉ mỉ, phức tạp đó. Và cũng không hiểu với 4 triệu đồng/tháng thì sao Tân lại không mua cho mình một cái quần tử tế, sắm cho anh mình cái màn mới?
Nghịch lý
Bà Quyết phải cất kín gói thuốc tận góc cao bàn thờ chồng, sợ con nghịch mang vứt đi thì khổ. Chẳng phải thuốc của bà, mà là thuốc của con bà, bà bảo: “Thuốc này tốt, cháu Tuyến nó uống thường xuyên là không bị lên cơn. Mỗi tháng mất 1,8 triệu đồng mua thuốc này cho con, ba mẹ con tôi ăn bằng hơn triệu đồng tiền lương hưu của tôi với tiền trợ cấp khuyết tật của cháu”. Mấy bà hàng xóm ghé qua hỏi: “Hôm nay có vay gạo nữa thì tôi cho vay, bà sang lấy gạo chứ để thằng Tân đi lại đánh đổ như bữa trước thì ăn cơm độn đất”. Tiện thể bà hàng xóm tốt bụng chép miệng, không rõ ngao ngán hay mỉa mai: “Hay bà sang nhà hộ nghèo hàng xóm mà vay gạo. Nhà ấy cho ối người trong xã vay tiền rồi đấy!”.
Điều khiến chủ nhân căn nhà này “được nghèo” theo lý giải của cán bộ xã Liên Ninh là: “Nhà có 4 con đang đi học, bố không có việc làm, chạy xe ôm chả kiếm được bao nhiêu”. Căn nhà hai tầng lừng lững này được xây lên như thế nào thì cán bộ xã Liên Ninh ráo hoảnh: “Làm gì có tiền mà xây, gia đình này phải bán bớt đất mới có tiền xây nhà đấy chứ!”. Gia đình bà Quyết không có đất ở và đất canh tác, từ trước tới nay xin đóng thuế đất hộ để ở nhờ trên mảnh đất của bà Phùng Thị Dăm, vợ cả của bố ông Tiền (ông Tiền con vợ hai).
Tôi không dám hỏi các cán bộ xã Liên Ninh câu nào nữa, vì tôi biết đứng trước 2 ngôi nhà tương phản này, 2 hoàn cảnh đối lập ấy, phải có một lương tâm sắt đá lắm mới ra được những quyết định “Bình chọn hộ nghèo” như vậy.
(Còn nữa)