“Sông Lam Xanh- Sự sẻ chia từ những người có H”
- Y học 360
- 20:21 - 07/12/2019
Đã lâu lắm rồi mới có dịp trở lại thành phố Vinh. Lần nào cũng vậy, anh Kiên cũng ra tận nơi đón chúng tôi với nụ cười trên môi người đàn ông với thân hình hơi đậm và rắn chắc, cơ bắp nổi cuồn cuộn, do thường xuyên tập thể hình. Anh Kiên kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu thành lập nhóm Sông Lam Xanh.
Trải lòng với chúng tôi về những ngày còn bị nghiện ma tuý, anh Kiên cho biết, anh sinh năm 1976, sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Những ngày đầu tuổi mới lớn, a dua theo đám bạn anh đã thử ma tuý và nghiện lúc nào không biết. Ngày ấy cách đây cũng hơn 20 năm. Giờ đôi khi nghĩ lại thời tuổi trẻ bồng bột tôi cứ tiếc mãi. Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân anh bị HIV, anh chỉ cười và bảo, khi sử dụng ma tuý cùng đám bạn do sử dụng chung bơm kim tiêm với bạn chích, mãi sau khi xét nghiệm ra mới biết bị nhiễm HIV. Khi biết mình bị nhiễm HIV, tôi cũng sốc lắm, từ việc biết mình bị H, tôi đã suy nghĩ lại về những việc làm của mình cộng với sự hỗ trợ của gia đình, kèm cặp của người thân tôi đã vượt qua được chính mình, cai nghiện thành công. Khi cai nghiện được, tôi đã nỗ lực điều trị và sử dụng thuốc ARV đều đặn, giữ được sức khoẻ tốt.
"Khi biết tôi bị H, nhiều người cũng xa lánh, kỳ thị. Tuy nhiên, với sức trẻ và sự nỗ lực tôi muốn làm việc và kiếm tiền để chứng minh cho mọi người thấy tôi đã cai nghiện thành công, đoạn tuyệt được với ma tuý, và người có H vẫn có thể làm được việc, kiếm tiền một cách chân chính. Từ những ý chí đó, năm 2006, với sự hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ, tôi thành lập nhóm mang tên một dòng sông tại Nghệ An, nhóm Sông Lam Xanh" anh Phan Văn Kiên chia sẻ.
Ngày mới thành lập nhóm Sông Lam Xanh cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực từ cộng đồng anh và các bạn có H đã tập hợp nhau về sinh hoạt tại nhóm, xây dựng nhóm từ con số 0 tròn chĩnh. Anh Kiên kể, ngày ấy, 30 người có H. trên địa bàn thành phố Vinh đã có môt ngày tụ họp tại Phòng Tư vấn của Bệnh viện đa khoa Hữu nghị tỉnh, để ghi dấu sự ra đời của Nhóm tự lực đầu tiên cho người nhiễm H trên địa bàn tỉnh. Nhóm hoạt động với mục đích kêu gọi quyền và lợi ích hợp pháp cho người có H và bị ảnh hưởng bởi HIV, tăng cường sự tham gia hoạt động của người có H trong hoạt động xã hội có liên quan đến HIV/AIDS, nhận sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân dành cho người nhiễm H và người bị ảnh hưởng theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí...
Ban đầu nhóm thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ dựa vào cộng đồng như tiếp cận, tư vấn, chăm sóc, chuyển gửi, truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người sống chung với HIV và những người chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đây cũng là nơi để các thành viên đến để được chia sẻ, giao lưu và hỗ trợ lẫn nhau về tâm lý, tình cảm. Theo đó, số lượng thành viên tham gia vào nhóm tăng dần theo năm tháng. Trong hoạt động của nhóm, các thành viên đều nhận được sự chia sẻ, quan tâm tới đời sống và tinh thần, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Đến với nhau bằng sự quan tâm và chia sẻ đã giúp những người có H hiểu nhau hơn. Tại cộng đồng, nhóm đã có những hoạt động truyền thông bổ ích, tuyên truyền về phòng chống HIV và tệ nạn xã hội ở các khối xóm, tập huấn kiến thức phòng tránh lây nhiễm cho người có nguy cơ cao. Hàng trăm buổi truyền thông của nhóm đã đến với từng góc phố trong nhiều năm liền. Có người nhiễm H qua đời, nhóm đã phải chia nhau đến động viên gia đình và lo toàn bộ việc đưa đám cho người đã khuất vì không ít người do kỳ thị, ngại ngần nên không đến. Không ít lần phải thấy, phải nghe những ánh nhìn kì thị, những lời nói đau lòng, nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi, sự động viên và thông tin ngày một cởi mở hơn về H, cộng đồng cũng hiểu dần hơn từ đó niềm tin đã được thắp sáng lên trong từng ánh mắt những hội viên trong nhóm.
Việc cắt giảm tài trợ cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã dẫn tới không ít các tổ chức dựa vào cộng đồng của những người sống chung với HIV và những người chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rơi vào hoàn cảnh lúng túng, có nhóm chỉ còn tên, gần như không còn hoạt động, thậm chí có một số nhóm đã giải tán. Tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An, nhóm Sông Lam Xanh do anh Phan Văn Kiên sáng lập và điều hành vẫn duy trì hoạt động đều đặn nhờ hoạt động sinh kế bền vững, tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên trong nhóm.
Với những nỗ lực không mệt mỏi cho các hoạt động vì cộng đồng, nhóm Sông Lam xanh đã làm nên những dấu ấn riêng có, được cộng đồng ghi nhận. "Năm 2008, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật thông qua các chương trình nâng cao năng lực từ Dự án Sáng kiến Chính sách về Y tế, nhóm Sông Lam Xanh chính thức thành lập hợp tác xã thương mại Sông Lam Xanh với tầm nhìn sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp xã hội chuyên nghiệp, nhằm hỗ trợ phát triển và mở rộng mô hình sinh kế tạo việc làm, thu nhập giúp những người sống chung với HIV, cải thiện chất lượng cuộc sống," anh Phan Văn Kiên chia sẻ.
Theo anh Kiên, một sứ mệnh khác của hợp tác xã là phát triển và nhân rộng mạng lưới các nhóm tự lực của những người sống chung với HIV và các nhóm chịu ảnh hưởng bởi HIV tại địa bàn tỉnh Nghệ An và khu vực lân cận để hòa nhập với các nhóm và các mạng lưới trên toàn quốc. Lúc đó tại Nghệ An, Sông Lam Xanh là nhóm tự lực đầu tiên của những người sống chung với HIV có tư cách pháp nhân đầy đủ với tài khoản và con dấu độc lập.
Từ hoạt động của Hợp tác xã, nhóm đã xây dựng và duy trì được sinh hoạt hàng tháng, có những động viên, thăm hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, là sự chia sẻ, hỗ trợ về việc làm, phát triển kinh tế, có thu nhập để đảm bảo nuôi sống bản thân và gia đình, ai khó khăn thì được quyên góp, giúp đỡ.
Anh Kiên cho biết, sau khi các dự án tài trợ cho người nhiễm H bị rút dần, các thành viên phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ ngôi nhà cung Sông Lam Xanh nhiều cuộc đời đã mở ra một trang mới, tươi sáng hơn. Bởi, khó khăn ai cũng thấy nhưng không ai nản lòng. Và thực tế là có làm mới có ăn, mình chịu khó lao động thì không ai phụ cả. Với ý chí như vậy, tiệm tạp hoá của HTX Sông Lam Xanh buôn bán cũng thuận lợi, người dân và chính quyền rất ủng hộ.
Ngày đầu mới kinh doanh bán hàng, các thành viên bán các sản phẩm tạp hoá, đồ khô thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như gạo, hàng tiêu dùng…
Tại cửa hàng của nhóm Sông Lam Xanh không giống những cửa hàng khác mà ở đó có điểm ấn tượng là mở đầu bằng bốn câu thơ thu hút sự chú ý của người đi đường.
"Thắp lên ngọn lửa hồng
Ấm áp cả trời đông
Giữa cõi đời mênh mông
Cần nhau một tấm lòng".
Bốn câu thơ này đã thu hút sự quan tâm chú ý của những người dân cũng như sự tò mò của những người khách đến mua hàng. Chất lượng phục vụ tận tình, giao hàng tận nơi, không mong đợi sự thương hại, đã phần nào rút ngắn khoảng cách về sự kỳ thị và phân biệt đối xử của người dân địa phương và sự ủng hộ của chính quyền địa phương vào thời điểm đó.
"Năm ngoái, tôi có mời một số anh chị em đồng nghiệp ngoài Hà Nội vào dự đám cưới của mình với một phụ nữ sinh hoạt cùng nhóm. Vợ chồng tôi đã sinh được một bé gái kháu khỉnh, khỏe mạnh, không có HIV. Hai vợ tôi chồng mở thêm một gara rửa xe ô tô để tạo việc làm cho các thành viên trong nhóm," anh Kiên vui mừng nói với chúng tôi.
Niềm vui, hạnh phúc của anh Kiên và gia đình cũng chính là sự động viên rất lớn đối với những người có H. Chia sẻ với chúng tôi về những trăn trở trong thời gian tới, anh Kiên bảo, anh chỉ mong công việc thuận lợi, để có thêm nhiều việc làm cho các bạn có H, có việc làm thì có thu nhập ổn định, từ đó cuộc sống của mọi người sẽ bước sang một trang mới. Tuy nhiên, để mở những cánh cửa đó, chính những người có H phải nỗ lực hơn rất nhiều lần và quan trọng nhất là không được tự ti, sự nỗ lực sẽ được cộng đồng ghi nhận.
Sự thành công của mô hình hợp tác xã Sông Lam Xanh đã góp phần giúp cho những người yếu thế, những người có H trên địa bàn Nghệ An có một địa chỉ để đến làm việc, học tập kinh nghiệm và chia sẻ với nhau về những thông tin mà người có H đang gặp phải. Chính sự cởi mở, tự tin và lao động chân chính cộng với ý chí vượt lên số phận của những hội viên Sông Lam Xanh và anh Phan Văn Kiên đã truyền lửa cho rất nhiều nhóm tự lực.
Với những việc làm của nhóm Sông Lam Xanh, sự tận tình với công tác cộng đồng của anh Kiên và những người bạn, chúng tôi tin rằng các anh chị sẽ ngày càng thành công hơn, tự tin trong công việc, tạo thêm được nhiều việc làm mới cho những người có H.