Sơn La: Nỗ lực rà soát bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh
- Tây Y
- 15:53 - 20/12/2023
Điển hình như ngày 3/8/2022, tại bản Phiêng Hạ, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, hai cháu bé thấy “vật thể lạ” ở dọc đường đã nhặt về chơi và gây nổ. Cả hai cháu đều bị thương nặng, được gia đình và các y bác sĩ tận tình cứu chữa nên đã giữ được tính mạng. Hay ngày 5/4/2022, trong quá trình thi công đào móng sửa chữa cầu Tà Vài, tại Km 233+734 quốc lộ 6, thuộc xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, đội thi công đã phát hiện quả bom nặng khoảng 300kg ở chân cầu trên quốc lộ 6...
Đầu năm nay, ngày 1/2/2023, trong quá trình thi công tuyến đường 31m đoạn bản Sàng xã Hua La, đơn vị thi công đã phát hiện một quả bom nguyên kíp nổ, sót lại sau chiến tranh. Nhận được thông tin, Ban CHQS Thành phố đã cử tổ công tác kịp thời có mặt tại hiện trường, xác định loại bom phá lớn, trọng lượng 350kg, có đường kính khoảng 40cm, chiều dài 1,27m, từ thời kháng chiến chống Mỹ. Đơn vị đã huy động cán bộ chiến sỹ phối hợp với Ban Công binh Bộ CHQS tỉnh tổ chức di chuyển bom tới khu vực tiêu hủy...
Trong hai năm (2021-2022), Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, tiến hành dò tìm bom mìn, vật nổ trên địa bàn 12 huyện, thành phố trong tỉnh, tổng diện tích đã rà phá hoàn thành là 717 ha, với tổng mức đầu tư là 27,6 tỷ đồng, từ nguồn vốn bổ sung cân đối ngân sách tỉnh. Đến thời điểm hiện tại đã giải ngân 100% kế hoạch nguồn vốn được bố trí.
Đại tá Tô Quang Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Sơn La, cho biết: Các loại bom mìn, vật nổ đặc biệt nguy hiểm còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn Sơn La là: Bom 250 bảng, mìn K58, mìn chống tăng; các loại đạn pháo, đạn cối... Sau ngày giải phóng, các đơn vị lực lượng vũ trang đã dò tìm và tháo gỡ được nhiều loại bom, mìn, vật liệu nổ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật...
Tuy nhiên, do địa bàn đánh phá rộng khắp, mật độ bom mìn, vật nổ cao, nên vẫn còn sót, dẫn đến xảy ra những vụ tai nạn bom mìn, vật nổ. Nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, san lấp mặt bằng hoặc địa hình bị xói mòn, đã xảy ra trường hợp phát lộ bom mìn, vật nổ, gây ra một số vụ tai nạn làm chết người hoặc bị thương nặng.
Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết thêm: Trên cơ sở kết quả rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh của các giai đoạn trước, Bộ CHQS Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án: Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023-2025. Khi Dự án hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng hàng trăm ha đất hiện đang bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường sống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng và ổn định an ninh chính trị trên địa bàn.
Để triển khai hiệu quả, Dự án đã đề ra giải pháp về chính sách và cơ chế. Theo đó, đưa dự án khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lồng ghép dự án thuộc chương trình vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động khác có liên quan trong quá trình triển khai. Xây dựng cơ chế quản lý, điều phối để hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.
Đối với giải pháp về nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và tập huấn trong nước và nước ngoài cho đội ngũ cán bộ quản lý điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Phát triển công nghệ rà phá bom mìn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, vận động thu hút nguồn lực, quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án của chương trình...
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nòng cốt là đơn vị lực lượng vũ trang, việc thực hiện rà soát bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh đã và đang đạt được hiệu quả thiết thực. Dự án rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2023-2025 được triển khai thực hiện sẽ góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.