"Sốc" vì sếp bắt nhân viên đi viếng... mẹ vợ, quỳ nơi công cộng
- Tây Y
- 14:40 - 23/05/2015
Bắt toàn bộ nhân viên đi viếng mẹ vợ
Theo China Daily, toàn bộ nhân viên một công ty ở thành phố Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, đã bị ông chủ của họ yêu cầu mặc những chiếc áo trắng mà ông ta chuẩn bị sẵn để đến dự lễ an táng mẹ vợ mình, bất chấp việc họ có quen biết người quá cố hay không.
Ông chủ này thậm chí còn dọa sẽ giảm bớt 200 nhân dân tệ (32 USD) trong tiền lương của nhân viên, nếu họ không có mặt ở đám tang để bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của mẹ vợ ông ta.
Các nhân viên trong công ty đứng thành hàng ở đám tang mẹ vợ ông chủ. Ảnh: mw.cn
Ngay sau khi thông tin trên được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều thành viên đã không ngớt lời chỉ trích ông chủ độc đoán này.
"Ông sếp này quá lạm quyền. Ông ta đáng bị trừng phạt nghiêm khắc cho hành vi của mình", một thành viên bình luận. Một thành viên khác thì viết: "Rõ rằng ông ta không có quyền yêu cầu nhân viên của mình làm như vậy, đúng không mọi người?".
Liu Bo, người tự nhận là phóng viên kênh truyền hình CCTV, thì nhận định, sự việc này sẽ sớm trở nên nghiêm trọng hơn. "Này ông chủ, ông đã xử lý sai tình huống này rồi đấy. Chính quyền địa phương sẽ tìm gặp ông để điều tra về việc này thôi", Liu nói.
Sếp bắt nhân viên quỳ suốt một tiếng
Trước đó, cũng tại Trung Quốc, sự việc sếp bắt các nhân viên quỳ suốt một tiếng đồng hồ cũng đã gây sốc trong cộng đồng không kém. Một nhóm nhân viên đã bị ông chủ bắt quỳ trên nền gạch suốt một tiếng, hình phạt do không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Câu chuyện về hình thức xử phạt đặc biệt này của một công ty ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, được đăng tải lên mạng xã hội Trung Quốc đầu tuần này, đã thu hút hơn 100.000 lượt xem và bình luận.
Nhóm nhân viên công ty quỳ trên cầu, nơi nhiều người qua lại. Ảnh: Shanghaiist
Theo Xiamen Daily, mỗi nhân viên trong số những người này đã quỳ trên một cây cầu giữa công cộng, trước mặt họ đều có một tờ giấy với nội dung: "Tình nguyện quỳ trên cầu trong một giờ vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Ju Donghong, giáo viên luật của trường đại học Jimei, nói: "Công ty này có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hình thức xử phạt trên nếu bị phát hiện đã ép buộc các nhân viên của mình quỳ như thế. Nếu thực sự họ không tự nguyện thì công ty đã vi phạm luật nhân quyền".
Sau khi đọc câu chuyện này, nhiều thành viên mạng xã hội bày tỏ sự cảm thông với những nhân viên bị phạt. "Thật xấu hổ khi phải quỳ như thế ở nơi công cộng. Nếu tôi là một trong số những người đó, tôi thà bỏ việc còn hơn", một thành viên bình luận.
Trong khi đó, một số người khác thì nghi ngờ đây có thể là một chiêu trò quảng cáo của công ty.
"Những nhân viên này không có chính kiến. Họ làm bất cứ điều gì mà ông chủ của mình sai khiến", một người khác viết.