Sốc vì “đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả”
- Tây Y
- 18:54 - 27/01/2016
Ngang nhiên quảng cáo trên mạng về “đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả”. Ảnh: LAN HƯƠNG
Tiền giả quảng cáo ngập facebook
Gần tết là thời điểm dịch vụ đổi tiền trên mạng bùng nổ, facebook có tên Bích Ngọc quảng cáo: “Tiền giả chỉ khác tiền thật ở một chỗ là các tờ tiền giả có cùng mệnh giá và số seri giống nhau”. Tuy nhiên, Bích Ngọc đưa ra gợi ý cho người mua tiền giả là “nếu xài 1 tờ thì chắc chắn sẽ ko bị phát hiện, đổ xăng, đi chợ mua hàng tạp hoá đều được hết. Chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số seri mới bị phát hiện”.
Để lấy lòng tin của khách hàng, Bích Ngọc đồng ý cho khách mua tiền giả phương thức “tiền trao, cháo múc”, tức là “khách có thể mở hàng ra xem, thấy hài lòng thì thanh toán tiền, không hài lòng thì trả lại mình”.
Ít lộ liễu hơn Bích Ngọc, tại trang Fanpage mang tên “Buôn bán tiền giả uy tín 100%”, “Buôn bán tiền giả chất lượng”…, các admin chỉ đăng tải ảnh đống tiền xếp thành từng cọc với chú thích “ai có nhu cầu mua tiền giả thì inbox”. Không ít người dân vì hám lợi mà bất chấp thực hiện giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của các admin, và rồi đợi mãi không thấy tiền chuyển lại thì mới ngã ngửa ra là mình bị lừa. Lúc này gọi điện thoại thì trong tình trạng “tò tí te ngoài vùng phủ sóng”.
Trong bối cảnh NHNN đang ra sức để tăng vị thế của VND thì nạn tiền giả xuất hiện tràn lan sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, chính sách tiền tệ của Nhà nước và làm mất giá tiền VND, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Nguy hiểm hơn, thông tin tiền giả có thể gây tâm lý hoang mang và mất niềm tin của người dân vào VND. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để ngăn chặn nạn tiền giả luôn là yêu cầu cấp thiết đối với các ngành chức năng liên quan.
Buôn tiền giả - phạt tử hình
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, số lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2014. Theo kết quả phân tích, các loại tiền giả polymer đã thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng (như: Hình bóng chìm, mực đổi màu, yếu tố hình ẩn...).
“Mặc dù vậy, nếu người tiêu dùng không nắm rõ được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì vẫn có thể rủi ro nhận phải tiền giả”, đại diện Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) cho biết.
Tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định rõ về việc cấm làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Nếu bắt được quả tang tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Hình sự. Mức phạt đối với tội danh này từ 3 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình tùy vào mức độ nghiêm trọng.
Bắt đối tượng Hoàng Mai Phương (1971) mang tiền giả trên đường về Bắc Giang tiêu thụ. Ảnh: T.K
Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) cho biết để phân biệt tiền giả, người dân thử xé nhẹ ở mép, nếu dễ bị rách thì có khả năng là tiền giả. Muốn kiểm tra kỹ hơn, người dân nên soi cửa sổ nhỏ của tờ tiền trước nguồn sáng đỏ (bóng đèn tròn, ngọn nến, que diêm cháy sáng), nếu không xuất hiện chữ Việt Nam đối xứng màu ngũ sắc thì đó là tiền giả.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả. Theo đó có thể tự mình kiểm tra một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả bằng cách sau: (1) Soi tờ bạc trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị); (2) Vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); (3) Chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, hình ẩn nổi…); (4) Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); (5) Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang). Tuy nhiên, NHNN khuyến cáo sau khi kiểm tra các yếu tố bảo an, cần có tối thiểu 3 đến 4 yếu tố thì mới có thể khẳng định tờ bạc là tiền thật hay tiền giả.