Sở Y tế TP.HCM đề xuất cơ chế thu phí điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế tư nhân
- Y học 360
- 15:07 - 24/09/2021
Sở Y tế kiến nghị UBND TP xem xét cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch được hưởng một số cơ chế thu phí trong điều trị COVID-19.
Cụ thể, về chi phí điều trị COVID-19 bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật…, ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT, bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Về chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị COVID-19 (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp), ngân sách nhà nước thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện đang thanh toán cho đơn vị.
Chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh,...), bệnh viện được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (nếu có).
Hiện thành phố đã huy động các bác sỹ, điều dưỡng của 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Trong số đó, 11 bệnh viện tư nhân đã chuyển đối một phần công năng để điều trị COVID-19.
Theo Sở Y tế TP HCM, các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị F0 đã bổ sung thêm nguồn lực y tế, cơ sở vật chất và góp phần giảm quá tải cho bệnh viện công lập, khống chế được dịch bệnh.
Tính từ 17g ngày 22/9 đến 17g ngày 23/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.052 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 358.707 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Thành phố sẽ nới lỏng dần từng bước các hoạt động kinh tế theo lộ trình trên cơ sở kiểm soát rủi ro về dịch tễ và mức độ bảo vệ của người dân gồm căn cứ theo hai trụ cột là tiến độ tiêm vaccine và an toàn của hệ thống y tế theo từng giai đoạn, địa bàn cụ thể. Các lộ trình cũng được xác định gồm giai đoạn từ 1/10/2021-31/10/2021, giai đoạn 1/11/2021-15/1/2022 và giai đoạn sau 15/1/2022.