Số trẻ bị sốt xuất huyết tăng mạnh ở Cần Thơ
- Y học 360
- 17:23 - 20/06/2022
Theo ghi nhận của phóng viên tienphong.vn, chiều 17/6, cả phòng bệnh và hành lang Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đều chật kín do số ca nhập viện ngày càng nhiều. Thông thường, hằng năm bắt đầu mùa mưa vào khoảng tháng 6 thì mới là “mùa sốt xuất huyết”. Tuy nhiên, năm nay, mưa xuất hiện sớm, cuối tháng 4 bệnh bắt đầu tăng nhanh và diễn tiến bệnh cũng nặng hơn.
Theo ông Huy Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, dịch sốt xuất huyết bùng phát do mưa sớm hơn 1 tháng, kéo theo số ca bệnh tăng, và do sốt xuất huyết có chu kì 3 - 4 năm sẽ quay lại đợt cao điểm và diễn tiến bệnh nặng. Bệnh viện ghi nhận một vài ca sốc và tái sốc phải thở ôxy.
Chị Nguyễn Thị Diệu (38 tuổi, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) có con trai 11 tuổi vừa nhập viện do sốt cao và đây là lần thứ 2 cháu bé bị sốt xuất huyết. “Thấy con đột ngột sốt cao, da nổi bông sữa như em bé sơ sinh, tôi nghi ngờ nên đưa con đến xin nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết và có hiện tượng sốc. Bởi 2 năm trước con tôi cũng từng mắc bệnh này nhưng tôi không biết và đưa con đến bệnh viện trễ. Sau đó, bệnh diễn tiến nặng, cháu phải điều trị ở phòng hồi sức 3 ngày, còn lần này là tái lại và tái nặng hơn”, chị Diệu kể.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ ngày 1 - 13/6/2021, bệnh viện chỉ tiếp nhận 14 ca sốt xuất huyết điều trị nội trú và 17 ca ngoại trú, nhưng từ ngày 1 - 13/6/2022, số ca sốt xuất huyết điều trị nội trú lên đến 144 (tăng 928,6% so với cùng kì), số ca ngoại trú là 149 (tăng 776,5% so với cùng kì) và trẻ mắc sốt xuất huyết thường rơi vào độ tuổi nhỏ nhất từ 4 - 5 tháng tuổi, lớn nhất là 16 tuổi.
Do số ca sốt xuất huyết tăng đột ngột, bệnh nhi ở các tỉnh đổ về nhiều khiến bệnh viện cũng rơi vào tình trạng quá tải và thiếu dịch truyền. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ, chia sẻ của bệnh viện các tỉnh trong khu vực nên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã kịp thời đáp ứng đủ lượng dịch truyền trong điều trị và dự trù trường hợp số ca tiếp tục tăng thời gian tới. “Mặc dù hiện tại số ca sốt xuất huyết tại bệnh viện đang quá tải nhưng cơ bản vẫn đáp ứng đủ nhu cầu điều trị”, bác sĩ Thanh cho hay.
Để phòng ngừa sốt xuất huyết, bác sĩ khuyến cáo không nên để trẻ tập trung những nơi không thoáng mát; đồng thời, phải vệ sinh nơi ở và môi trường sống xung quanh sạch sẽ. Không để những vật dụng chứa nước tù đọng dễ sản sinh ra muỗi (muỗi đẻ trứng vào nước). Bên cạnh đó, khi nhận thấy trẻ sốt cao, sốt đột ngột, sốt liên tục, mệt, lừ đừ, đau bụng hoặc xuất hiện những chấm đỏ trên da hoặc sốt 2 - 3 ngày nhưng không khỏi thì nên đưa đến bệnh viện để kiểm tra.
Trước đó, như laodong.vn thông tin: Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường, Phó Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ cho biết: "Nếu trẻ sốt 1-2 ngày có thể điều trị tại nhà, uống thuốc hạ sốt, đi khám bác sĩ, nhưng nếu trẻ sốt đến ngày thứ 3, ngay trong mùa mưa, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được bác sĩ khám, xét nghiệm chẩn đoán chính xác".
Theo bác sĩ Trường, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan vì bệnh sốt xuất huyết thường diễn tiến nặng từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7.
Với trẻ nhũ nhi, thừa cân, béo phì, trẻ có bệnh lý nền có nguy cơ bị nặng hơn các trẻ khác, cần được quan tâm, theo dõi, điều trị tích cực hơn.
Ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, các trẻ có chẩn đoán sốt xuất huyết đều được bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi, điều trị.