THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:04

Số người nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất cao

 

Nhiều tụ điểm mại dâm phức tạp, khó kiểm soát
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội có 5.792 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có 1.121 cơ sở karaoke, 836 cơ sở xoa bóp, 2 vũ trường, 44 bar có sử dụng rượu mạnh, 11 cơ sở cắt tóc, gội đầu thư giãn, 111 cơ sở cà phê, nhạy cảm, 128 cơ sở tắm nóng lạnh… 
Ông Phùng Quang Thức - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, TP. Hà Nội có khoảng 2.000 gái bán dâm. Các đối tượng này hoạt động núp bóng với nhiều hình thức từ trong nhà nghỉ đến tẩm quất, cà phê đèn mờ… Đáng chú ý, trong số hơn 2.000 gái mại dâm hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, hiện phần mềm chỉ cập nhật được 472 người. Đây là những người vi phạm hành chính bị lực lượng chức năng xử lý. 

Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều tụ điểm mại dâm phức tạp, khó kiểm soát (ảnh minh họa)

Qua nắm bắt, rà soát địa bàn cơ quan chức năng xác định 5 điểm có biểu hiện mại dâm gồm: Khu vực Đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, Dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm); Phố Yesin Vườn hoa Paster, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng); Đường Giải phóng, Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai); Khu vực công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); Đường Liễu Giai (quận Ba Đình). Đối tượng nghi có hoạt động mại dâm tại các địa bàn này thường đứng chờ khách đến hỏi hoặc lưu động bằng phương tiện xe máy.
Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 10 điểm, tụ điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, bao gồm: Đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai; ngã ba Ba La gần trường Cao đẳng Thương Mại, quận Hà Đông; khu vực Chùa Tống La Dương, phường Dương Nội, quận Hà Đông, đường 70 Tân Triều, đường Kim Giang, huyện Thanh Trì; ngã ba Ngọc Hồi, xã Liên Ninh, Thanh Trì; đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì; khu vực đường 21, Đông Yên, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai; khu vực cầu 72, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai; xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì; khu vực đường 32 thuộc địa phận xã Đức Thượng, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.
Đề cập đến tình trạng mại dâm khu vực đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, lâu nay rất phức tạp và dư luận quan tâm, ông Thức cho biết, hiện nay không những tuyến phố Trần Duy Hưng, mà nhiều tuyến phố khác trên địa bàn Hà Nội, tệ nạn mại dâm hoạt động hoạt động rất tinh vi, kín đáo thông qua mạng xã hội, zalo, facebook để mua bán dâm, không như những tụ điểm nóng có nhiều quán cafe đèn mờ, tẩm quất, massage, gội đầu… công khai, có tiếp viên ăn mặc khiêu gợi, do đó rất khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý..

Hiện nay việc kiểm tra, xử lý hoạt động mua, bán dâm trên phố Trần Duy Hưng rất khó vì các đối tượng hoạt động rất tinh vi, kín đáo bằng mạng xã hội

Theo ông Phùng Quang Thức, năm 2018, công tác phòng chống mại dâm, đã đạt được kết quả tích cực. Các Sở, ngành, địa phương đã tích cực công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; Tổ chức tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hành chính, lập chốt trực 24/24h tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh. Công an các cấp đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 158/150 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 672 đối tượng. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 106 vụ - 124 bị cáo. Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở đã hỗ trợ cho vay vốn, tạo việc làm cho 4 người bán dâm hoàn lương với số tiền 60 triệu đồng.
Theo ông Thức, hiện nay, để thống kê được người bán dâm, chúng ta chỉ căn cứ vào hành vi mại dâm thông qua các vụ án, do đó thời gian tới sẽ đề nghị các cơ quan chức năng gửi thông tin cụ thể việc xử lý hành chính người bán dâm để cập nhật vào phần mềm cho đầy đủ.
Số lượng người nghiện ma túy rất lớn
Bên cạnh tệ nạn mại dâm, tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tại Hà Nội vẫn còn cao và phức tạp. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an Thành phố, tính đến ngày 15/11/2018 trên địa bàn Thành phố hiện có 13.402 người nghiện ma túy và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 634 người so cùng kỳ năm 2017. Từ đầu năm 2018 đến nay đã cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 509/300 người; Cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy: 802/700 người; Vận động và đưa đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy: 1.840/2.000 người; Lập hồ sơ và đưa vào lưu trú tạm thời 521 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại Cơ sở cai nghiện ma túy.
Tại các Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Bạch Đằng, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện (Viện châm cứu Trung ương) đã tiếp nhận 583/1000 lượt người vào cai nghiện tự nguyện. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 18 cơ sở do Sở y tế quản lý là 4.800 người. Tính đến ngày 15/11/2018, tổng số học viên đang quản lý tại các Cơ sở là 2.532 người. Công tác hướng nghiệp, học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho học viên được các Cơ sở cai nghiện ma túy quan tâm, chú trọng, phối hợp với các Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho 350/350 học viên.
Công tác đảm bảo an ninh, trật tự luôn được các Cơ sở cai nghiện đặc biệt chú trọng, ngoài việc tổ chức tốt các phương án, diễn tập phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo động, gây rối, các cơ sở luôn làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng của học viên, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, giải quyết kịp thời những thắc mắc của học viên, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao, thực hiện tốt công tác dân vận, tiếp xúc với người dân địa phương  nơi đơn vị trú đóng; kết hợp với triển khai tuần tra, kiểm soát các khu vực tiếp giáp đơn vị, phối hợp với chính quyền địa phương, nhằm ngăn ngừa triệt để các vụ việc gây ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn đối với công tác quản lý học viên của đơn vị. Liên tục trong nhiều năm, các Cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố luôn duy trì ổn định, đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người và tài sản.

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh