Số lượng điểm 9 môn Toán, Lý ở Sơn La nhiều bất thường
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 06:28 - 19/07/2018
Sơn La là địa phương đứng cuối cùng cả nước về điểm trung bình thi THPT quốc gia 2018.
Trong khi đó, điểm giỏi môn Toán và Lý của địa phương này lại khá cao, thậm chí gấp nhiều lần TP.HCM.
Đối với môn Toán, Sơn La có 30 thí sinh được điểm từ 9 trở lên chiếm 0,29% trong tổng số 10.252 thí sinh dự thi và vượt trội hơn nhiều địa phương khác.
Sơn La ít hơn TP.HCM 7,5 lần số thí sinh dự thi môn Toán nhưng số thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên lại xấp xỉ số thí sinh TP.HCM đạt được.
TP.HCM có 78.252 thí sinh dự thi môn Toán nhưng chỉ có 32 thí sinh được điểm từ 9 trở lên, trong khi đó Sơn La chỉ có 10.252 thí sinh dự thi môn Toán nhưng có tới 30 thí sinh được điểm Toán từ 9.
So với Nam Định, số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên của của Sơn La gấp 2 - 3 lần dù số thí sinh dự thi của địa phương này ít hơn Nam Định 1,9 lần.
Nghệ An là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhưng số thí sinh đạt điểm môn Toán từ 9 trở lên cũng thua Sơn La, dù số thí sinh dự thi của Nghệ An gấp 3 lần Sơn La.
Đối với môn Vật lý, Sơn La có 13 em đạt điểm 9, chiếm 0,97% trên tổng số 1.339 thí sinh dự thi.
So với TP.HCM số thí sinh dự môn Lý của Sơn La ít hơn 37,1 lần nhưng số thí đạt điểm từ 9 trở lên kém TP.HCM 3 lần.
So với Nam Định số thí sinh dự thi môn Lý của Sơn La ít hơn 7,6 lần nhưng số thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên chỉ kém 1,84 lần.
Tương tự, so với Nghệ An thí sinh dự thi môn Lý của Sơn La cũng ít hơn 8,2 lần nhưng số thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên chỉ kém 1,76 lần.
Trong khi đó, nếu so sánh hai địa phương Nam Định và Nghệ An sẽ thấy số thí sinh dự thi môn Vật Lý gần tương đương nhau (10.191 thí sinh và 11.026 thí sinh) và số thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên tương đương nhau (chênh lệch 1 thí sinh).
Theo phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), đúng là có sự khác biệt trong điểm thi của thí sinh Sơn La.
GS Tuấn cho rằng, điểm thi trung bình của tất cả các môn học của các thí sinh Sơn La đều thấp hơn điểm trung bình của cả nước. Nhưng sự khác biệt không đồng đều giữa các môn học. Cụ thể, thí sinh Sơn La có điểm thi môn Toán là 3.2, thấp hơn trung bình cả nước (5.0) đến 6.2 độ lệch chuẩn. Môn Lý và Văn cũng có sự khác biệt khá lớn (xấp xỉ 4 độ lệch chuẩn). Tuy nhiên, đối với môn Sinh, thú vị thay sự khác biệt chỉ gần 1 độ lệch chuẩn, tức khá thấp (Bảng 1).
Ngoài ra, một điểm khác cũng đáng chú ý là chỉ số dao động (phản ảnh qua hệ số biến thiên) ở Sơn La cũng cao hơn so với toàn quốc. Chẳng hạn như độ khác biệt giữa các thí sinh Sơn La về môn Toán lên đến 38%, trong khi đó hệ số này của cả nước là 29%. Tương tự, độ khác biệt về điểm thi môn Lí cũng khá cao (40% ở Sơn La và 31% toàn quốc). Hệ số biến thiên cao có thể phản ảnh sự phân bố điểm thi ở Sơn La không đồng đều.
Phân bố điểm thi môn Toán, Lí, Hóa, và Sinh cho cả nước (màu xanh) và Sơn La (màu hồng) (Ảnh: GS Tuấn cung cấp) - hình 1
"Quả thật, Hình 1 cho thấy phân bố điểm thi của thí sinh Sơn La rất lệch so với phân bố toàn quốc. Đối với môn Vật lý, phân bố điểm của thí sinh Sơn La lệch về các ngưỡng điểm thấp hơn 3.5, nhưng phân bố toàn quốc thì khá "chuẩn". Một điểm đáng chú ý nữa là, phân bố điểm môn Vật lí có phần "nhô" lên ở các ngưỡng điểm cao (trên 8.5). Điều này cho thấy phân bố điểm môn Vật lí của Sơn La có phần bất thường" - GS Tuấn phân tích.
GS Tuấn cho rằng, để thấy sự bất thường này có thể đặt câu hỏi: nếu phân bố điểm thi của một Sơn La giống với phân bố điểm toàn quốc, thì sẽ có bao nhiêu thí sinh Sơn La có điểm 0, 0.2, 0.4, 0.6…, 10. Tạm gọi đó là "số kì vọng".
Phân bố điểm thi môn toán, lí, hóa, và sinh cho thí sinh Sơn La. Số thí sinh có điểm lí 9-10 ở Sơn La là 12 em so với giá trị kì vọng chỉ 1. Tương tự, số thí sinh có điểm 9-10 của môn toán là 30, cao gấp 5 lần so với số kì vọng (GS Tuấn cung cấp)
"Dựa vào phân bố của cả nước, có thể ước tính rằng Sơn La sẽ có 1 thí sinh có điểm môn Lý 9 đến 10. Thế nhưng trong thực tế, Sơn La có đến 12 thí sinh có điểm 9 đến 10. Nói cách khác, số thí sinh Sơn La có điểm vật lí 9-10 cao gấp 12 lần so với giá trị kì vọng. Tương tự, số thí sinh Sơn La có điểm 9-10 của môn toán là 30, cao gấp 5 lần so với số kì vọng. Đó cũng có thể xem là một bất thường" - GS Tuấn nhận định.
GS Tuấn cho rằng qua dữ liệu thực tế, ông thấy rằng tuy tính trung bình, điểm của thí sinh Sơn La rất thấp so với trung bình toàn quốc, nhưng ở ngưỡng điểm cao (9 đến 10) thì số thí sinh Sơn La cao gấp 5 đến 12 lần so với số "kì vọng".