THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:39

Số lượng công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn lên đến nghìn trường hợp

Theo kết luận thanh tra này, UBND huyện Sóc Sơn đã không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các Kết luận của Thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng.

Trong kết luận thanh tra chỉ rõ,  có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.

Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ tính riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Cho đến thời điểm này, huyện Sóc Sơn vẫn chưa thu hồi 2/10 sổ đỏ cấp không đúng đối tượng. Chủ sử dụng hai thửa đất trên đã chuyển nhượng đất và chính quyền Sóc Sơn lại làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ cho người mua vào năm 2009, 2017. 

Ngoài ra, huyện Sóc Sơn đã ban hành 63 quyết định và thông báo thu hồi sổ đỏ của đất ở nằm trong quy hoạch rừng, nhưng thực tế chưa thu hồi, các hộ dân vẫn sử dụng để ở.

“Huyện Sóc Sơn không kiểm tra và xử lý với 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Sau khi UBND TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, huyện không thống kê, không kiểm tra, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng, khiến tình hình phức tạp hơn, đặc biệt, là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan và lâm trường Sóc Sơn”, kết luận thanh tra chỉ rõ.

Một trong số những công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn.

Hầu hết, các trường hợp chuyển nhượng, người bán đất không có giấy tờ sử dụng đất nhưng vẫn được UBND xã chứng thực, xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng, dẫn đến người nhận chuyển nhượng đất xây dựng nhiều công trình lớn trong quy hoạch rừng.

Với các trường hợp điển hình về vi phạm trật tự xây dựng trong quy hoạch rừng, cụ thể: Tại đất lâm trường xã Minh Phú có hộ ông Ngô Văn Cam được UBND huyện Sóc Sơn cho mượn đất, được cấp Sổ Lâm bạ diện tích là 15 ha và sử dụng khoảng 4 ha đất của lâm trường Sóc Sơn thu hồi để thực hiện dự án JIFPRO. Tổng diện tích ông Cam sử dụng khoảng 19 ha.

Từ năm 2001- 2005, ông Cam chuyển nhượng cho 55 hộ, diện tích gần 130.000 m2, các hộ đã xây dựng 69 công trình, diện tích xây dựng khoảng 4.300 m2. Còn lại, ông Cam sử dụng gần 60.000 m2 xây dựng Khu du lịch Thiên Phú Lâm 57.500 m2 với 21 hạng mục công trình.

Tiếp đến là trường hợp hợp ông Trương Anh Quân vợ là bà Đỗ Mỹ Linh (gia đình ca sĩ Mỹ Linh). Năm 2001, ông Quân mua lại đất của hộ ông Đỗ Xuân Lâm đã được cấp sổ đỏ diện tích 600 m2 đất ở từ năm 1997, trước khi có quy hoạch rừng năm 1998.

 Năm 2009, hộ ông Quân xây dựng 4 công trình và hạng mục phụ trợ khác. Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn mới làm thủ tục hiệu chỉnh sổ đỏ. Năm 2015, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện Sóc Sơn lại làm thủ tục sang tên và cấp đổi sổ đỏ cho hộ ông Quân thuộc quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn.

Một gia đình khác tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí sử dụng gần 20.000 m2, đã xây dựng 5 công trình kiên cố 2-3 tầng (dạng biệt thự), diện tích xây dựng khoảng 1.000 m2... Riêng về trường hợp Việt Phủ Thành Chương trên địa bàn xã Hiền Ninh, kết luận thanh tra không có đề cập cụ thể nào đến công trình này.

Từ kết luận nêu trên, thanh tra TP kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể và cá nhân liên quan. Thanh tra đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn hai xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích. Các công trình lớn như Việt phủ Thành Chương, nhà ca sĩ Mỹ Linh không nằm trong diện “cưỡng chế ngay”, “trả lại nguyên trạng” này.

Thanh tra TP Hà Nội cũng kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến xây dựng công trình vi phạm quy hoạch rừng năm 2008.

Trước đó, giữa tháng 10-2018, Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn.Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã yêu cầu TP Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn; đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-2-2019.

Những năm qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần thanh tra và chỉ ra các vi phạm trong quản lý sử dụng đất rừng Sóc Sơn như Kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Thành phố năm 2006; kết luận của Sở Tài nguyên Môi trường năm 2013.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh