So kè lan Bạch Tuyết 5 cánh trắng và Hiển Oanh vừa bán hơn 10 tỷ đồng của đại gia đất Bắc
- Y học 360
- 14:05 - 01/07/2020
Đại gia Vĩnh Phúc chi 2,6 tỷ đồng mua lan đột biến
Cùng với lan Bảo Duy, lan Bạch Tuyết 5 cánh và lan Hiển Oanh là một trong số những loại hoa đột biến gen được tìm kiếm và trả giá mua lên đến cả tỷ đồng trong 1-2 năm gần đây. Đáng nói là nhiều thương vụ chuyển nhượng cho chậu cây chưa ra hoa, mới chỉ là những mầm mới lên.
Những đồn đại về sự hiếm có, vẻ đẹp độc đáo và giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại, khiến cho loài hoa này càng gây được sự chú ý đối với cộng đồng chơi lan và cả những người "ngoại đạo".
Mới đây, hai chậu lan của anh Vũ Minh Thắng (chủ một vườn lan tại Hưng Yên) đã được chuyển nhượng cho anh Hoàng – một chủ vườn lan ở Vĩnh Phúc. Chậu Bạch Tuyết gồm 3 thân mẹ được có giá 2,2 tỷ đồng. Trong khi đó, cây nhỏ với 2 mầm gốc, có giá 400 triệu đồng. Trị giá của hai chậu cây là 2,6 tỷ đồng.
Xác nhận là người mua hai chậu lan Bạch Tuyết, anh Hoàng cho biết ngoài đam mê chơi loài hoa đột biến, anh còn xem đây là cuộc đầu tư để làm kinh tế. Không chỉ hai chậu lan này, anh này đã đầu tư cho vườn lan với gần 500 chậu, với nhiều giống lan đột biến khác nhau.
Trong khi đó, chủ nhân của hai chậu lan bạc tỷ là anh Vũ Minh Thắng còn có chậu lan thân mẹ 31 cm đang đi ngọn và nhánh lên được 5cm, đang được phát giá gần 1,2 tỷ đồng.
Lan Bạch Tuyết 5 cánh trắng có giá 2,2 tỷ đồng.
Chậu lan Bạch Tuyết trị giá hơn 1,1 tỷ đồng của nhà vườn Hưng Yên.
Gần chục chậu lan được chuyển nhượng cùng lúc, giá trị hơn 10 tỷ đồng
Cũng trong ngày 29/6, anh Doãn Vũ Hiếu – chủ một nhà vườn tại Vĩnh Phúc đã chuyển nhượng cho người chơi là chị Lưu Thùy Ngân, SN 1983 ở Phù Ninh, Phú Thọ 4 chậu cây lan đột biến, trị giá 2,8 tỷ đồng. Bao gồm 2 chậu phi điệp Bạch Tuyết 5 cánh trắng và 2 chậu Hiển Oanh 5 cánh trắng. Trong đó, chậu Bạch Tuyết 5 cách trắng thân dài 12cm có giá 1,4 tỷ đồng.
Theo chủ nhân mới của 4 chậu lan bạc tỷ, mặc dù tại vườn nhà đã có nhiều giống lan khác nhau, nhưng loại đột biến quý hiếm chưa nhiều, vì thế, đã quyết định chi tiền để làm phong phú bộ sưu tập và hơn hết, đây cũng là loại cây giúp làm kinh tế, bán các kie và cây non sau này.
Chậu lan nằm trong bộ sưu tập trị giá 2,8 tỷ đồng của chị Ngân ở Phú Thọ.
Ngoài lan phi điệp Bạch Tuyết 5 cánh trắng và 2 chậu Hiển Oanh 5 cánh trắng cũng đắt tiền không kém.
Trong cùng ngày 4 chậu lan của chị Ngân được chuyển nhượng thì có thêm cuộc chuyển nhượng cho người chơi khác cây lan Hồng Á hậu trị giá hơn 1,8 tỷ đồng, Bạch Tuyết 5 cánh trắng và Hiển Oanh 5 cánh trắng có giá từ 700 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng. Tính chung, thương vụ này có giá trị hơn 8,1 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 1-2 ngày, có tới cả chục chậu lan quý được bán với tổng giá trị lên tới hơn 10 tỷ đồng, khiến nhiều người không khỏi sửng sốt, đặt câu hỏi về giá trị thực sự của những chậu cây cũng như sự mạnh tay đầu tư cho loài hoa này để làm kinh tế của không ít nhà vườn tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ.
Bên cạnh đó, một vài ý kiến bày tỏ sự ít nghi ngại về các giao dịch lan trên chợ mạng. Tại đây, các giao dịch mua bán không kém phần nhộn nhịp, với đủ mức giá từ vài trăm nghìn đồng đến cả trăm triệu đồng cho những nhánh lan đột biến.
Tuy nhiên, không ít những đăng tải than phiền về việc lâm vào cảnh mua phải cây thối, cây hỏng hoặc chủ vườn gian dối "treo đầu dê, bán thịt chó", treo ảnh cây và hoa không đúng như sự thật.
Theo anh Vũ Hiếu (một người chơi hoa lan đột biến 10 năm ở Bình Phước), các giao dịch giữa nhà vườn dựa nhiều vào sự tin tưởng, uy tín của hai bên trong quá trình chơi và trồng lan lâu năm. Trong khi đó, các giao dịch trên chợ online thì cũng có những uy tín nhất định, nhưng cũng khó tránh tình trạng dùng ảnh của nhà vườn khác để quảng cáo cho vườn mình.
"Do vậy, để đủ tin tưởng "xuống tiền" thì khách mua cần tìm hiểu kỹ nhà vườn và quan trọng hơn là cần có kinh nghiệm chọn cây để tránh mua phải hàng kém chất lượng", anh Hiếu bày tỏ quan điểm.