Số ca viêm gan cấp bí ẩn ở trẻ em lan rộng sang 20 nước
- Y học 360
- 11:21 - 06/05/2022
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 6/5, trên toàn cầu đã có 228 ca mắc viêm gan bí ẩn được ghi nhận tại 20 quốc gia. Trong đó, ít nhất 4 trẻ tử vong và 18 ca phải ghép gan.
Thông tin trên báo Vietnamnet, các chuyên gia cho rằng con số hiện tại có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, với nhiều nước hiện chỉ tăng cường giám sát các biến chứng bất thường. Hầu hết các ca bệnh được phát hiện ở châu Âu, một số nước châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Các nhà khoa học đang bối rối trước sự đa dạng của các trường hợp khi không có trẻ nào dương tính với các virus gây viêm gan bình thường.
Virus Adeno - thường gây ra cảm lạnh thông thường được cho là thủ phạm, mặc dù hiếm khi gây viêm gan. Có những nhận định việc phong tỏa kéo dài có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ đối với các virus bình thường lành tính. Các cuộc điều tra cũng đang xem xét liệu căn bệnh có liên quan đến dạng đột biến của virus Adeno hoặc SARS-CoV-2 không.
Giới khoa học Anh thừa nhận phải mất ít nhất 3 tháng để biết chính xác nguyên nhân của các ca bệnh.
Hầu hết những trường hợp được phát hiện ở Anh (145 ca) và Mỹ (20 ca), các nơi có hệ thống giám sát mạnh. WHO cũng đã công bố các trường hợp viêm gan không rõ nguồn gốc ở Ireland, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Bỉ, Italy, Hà Lan, Israel, Đan Mạch, Na Uy, Rumani… Mới đây, danh sách có thêm Áo, Ba Lan, Nhật, Canada, Singapore, Indonesia… Các bệnh nhi ở Anh, chủ yếu từ 5 tuổi trở xuống, ban đầu bị tiêu chảy và buồn nôn, sau đó là vàng da, vàng mắt.
WHO lần đầu ghi nhận thông tin về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em vào 5/4 với 10 bệnh nhi dưới 10 tuổi ở Scotland.
Tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng đang triển khai chủ động theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập. Tình hình trên khiến không ít phụ huynh lo ngại về loại bệnh viêm gan do virus "bí ẩn" gây ra.
Trước những lo ngại về dịch bệnh này, báo Nhân dân dẫn thông tin từ PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo các bậc cha mẹ cần theo dõi sức khoẻ của trẻ nếu có dấu hiệu nghi ngờ, giúp trẻ được phát hiện bệnh, điều trị sớm và cũng cảnh báo sớm cho ngành y tế triển khai các biện pháp dịch tễ kịp thời.
Đầu tiên, trẻ nhiễm adenovirus sẽ có triệu chứng đau bụng dữ dội, sốt, nước tiểu sậm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng rõ nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt.
Do adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng.
“Trong thời điểm này, nên lưu ý thêm những biện pháp vệ sinh truyền theo đường tiêu hóa vì adenovirus chủ yếu lây qua cả hô hấp, tiêu hóa. Gia đình cần hướng dẫn các con em tiếp tục giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn...”, PGS, TS Đỗ Văn Dũng nói.