THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:13

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 249 triệu ca

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 469.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 249 triệu ca, trong đó trên 5,04 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 59.000 ca), Nga (40.217 ca) và Anh (37.269 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.195 ca), Mỹ (851 ca) và Ukraine (699 ca).

Diễn biến dịch COVID-19 hàng ngày cho thấy số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu đang tăng theo chiều hướng "đặc biệt lo ngại" và khu vực này đang trở lại là tâm dịch của thế giới. Đây là cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh tại châu Âu.

Thống kê của WHO chỉ ra tổng số ca mắc COVID-19 của châu Âu (khoảng 78 triệu ca) đang vượt tổng số ca ở các khu vực khác gồm Đông và Nam Á, Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. Ông Kluge cho rằng châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới. Theo quan chức WHO, những yếu tố như tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chưa cao và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và các quy định phòng dịch đã đẩy châu Âu vào tình cảnh hiện nay.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, số ca mắc mới COVID-19 tại châu Âu đang tăng theo chiều hướng "đặc biệt lo ngại" và khu vực này đang trở lại là tâm dịch của thế giới. Đây là cảnh báo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình hình dịch bệnh tại "lục địa già".

Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 4/11, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bày tỏ đặc biệt lo ngại về mức độ lây truyền dịch bệnh ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu. Các ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây, tăng đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận ở tất cả các lứa tuổi. Quan chức này cho biết thêm, một mô hình dự báo đáng tin cậy chỉ ra rằng, đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì COVID-19 nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.

Ngày 4/11, Nga ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục với 1.195 ca trong vòng 24 giờ qua, trong khi có 40.217 ca mắc mới. Hiện toàn nước Nga đang thực hiện tuần lễ không làm việc nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát mới nhất. Hiện Nga vẫn là tâm dịch lớn thứ 5 thế giới với trên 8,67 triệu ca mắc COVID và hơn 243.200 trường hợp thiệt mạng.

Chính phủ Đức lên tiếng cảnh báo khả năng áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với những người không tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới đang tăng mạnh trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay. Những hạn chế mới sẽ nhắm vào đối tượng là người trưởng thành không chịu tiêm chủng. Dự kiến sẽ chỉ những người đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm chủng mới được vào các sự kiện, cơ sở giải trí, nhà hàng.

Trong những tuần gần đây, nước Đức đã bắt đầu bước vào làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4, với tỷ lệ ca bệnh trung bình trong 7 ngày liên tục lên các mức cao nhất kể từ tháng 5. Bộ Y tế Đức cho biết, dịch đang hoành hành chủ yếu trong nhóm chưa tiêm phòng trên quy mô lớn. Bệnh viện tại một số khu vực ở Đức đã hết giường trong khu chăm sóc đặc biệt. Tính đến ngày 3/11, Đức đã có 66,8% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Đức đã bắt đầu bước vào làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4. (Ảnh: AP)

Đức đã bắt đầu bước vào làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4. (Ảnh: AP)

Tại Anh, trường Đại học Imperial London ngày 4/11 công bố kết quả nghiên cứu REACT-1 cho thấy, số ca nhiễm tại nước này trong tháng 10 cao chưa từng thấy do số ca nhiễm ở trẻ em tăng cao và sai sót về công bố kết quả xét nghiệm của một cơ sở y tế tư nhân ở khu vực Tây Nam.

Cụ thể, gần 6% trẻ em trong độ tuổi đi học mắc COVID-19. Tuy nhiên, số ca nhiễm ở trẻ em đã giảm trong giai đoạn cuối của nghiên cứu này, trùng với thời điểm các trường học đóng cửa do kỳ nghỉ giữa kỳ. Tỷ lệ lây nhiễm trong các nhóm tuổi cao hơn đã tăng gấp đôi so với tháng 9. Ở khu vực Tây Nam, tỷ lệ lây nhiễm trên thực tế đã được điều chỉnh tăng gấp 4 lần, sau khi bổ sung 43.000 ca nhiễm mới do sai sót của một cơ sở xét nghiệm tư nhân khiến những người này đã bị trao nhầm kết quả xét nghiệm PCR âm tính thay vì dương tính.

Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh ngày 4/11 đã phê chuẩn sử dụng thuốc viên Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Như vậy, Anh là nước đầu tiên phê chuẩn loại thuốc mang tính bước ngoặt trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh khuyến cáo, thuốc Molnupiravir được sử dụng ngay sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Hãng dược phẩm Meck dự kiến sản xuất 10 triệu toa thuốc Molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu toa trong năm 2022.

Ngày 4/11, Bộ Y tế Ukraine thông báo, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 3 triệu với hơn 70.000 ca tử vong. Riêng số ca mắc mới trong ngày 4/11 là 27.377 trường hợp, vượt mức cao nhất được ghi nhận hôm 29/10 (26.870 người). Số ca tử vong do COVID-19 tại Ukraine trong 24 giờ qua là 699 bệnh nhân.

Trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục trong những tuần gần đây, Chính phủ Ukraine đã áp đặt các biện pháp phong tỏa để hạn chế lây nhiễm. Việc tiêm vaccine trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên một số cơ quan nhà nước và tại các "vùng đỏ", trong đó có thủ đô Kiev. Chỉ những người đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được phép vào nhà hàng, phòng tập thể dục và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Latvia, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng nằm trong số thấp nhất Liên minh châu Âu, đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 8/11, sau khi số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng lên các mức cao kỷ lục. Hiện số ca mắc mới ghi nhận hàng ngày tại quốc gia 1,9 triệu dân này ở mức hơn 1.000 ca, tỷ lệ lây nhiễm tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện cũng khiến bệnh viện tại Latvia bị quá tải.

Theo quy định mới, người dân buộc phải đeo khẩu trang trong các tòa nhà công cộng. Người chưa tiêm vaccine chỉ được phép vào các cửa hàng được chỉ định để mua thực phẩm và đồ thiết yếu. Đến nay, mới chỉ 48% dân số Latvia đã tiêm chủng đầy đủ

Lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Lào ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức 4 con số. Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống dịch để có thể mở cửa đất nước sớm.

Bộ Y tế Lào cho biết, ngày 4/11, Lào báo cáo 1.170 ca nhiễm mới. Do số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn tăng mạnh và để có thể mở cửa đất nước, Chính phủ Lào đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống COVID-19 tại các "vùng đỏ", trong đó có lệnh giới nghiêm từ 23h hôm trước đến 5h sáng hôm sau ở những địa phương có các ca lây nhiễm cộng đồng.

Các tỉnh cũng cần khẩn trương mở rộng hình thức sử dụng khách sạn làm nơi điều trị và điều trị tại chỗ đối với người nhiễm bệnh không có triệu chứng và có điều kiện kinh tế, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan cấp trung ương và địa phương để vận động chuyên gia, nhân viên y tế và cán bộ nghiệp vụ hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh theo điều kiện thực tế ở từng địa phương.

Chính phủ Lào cũng đề nghị người dân trên cả nước đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cho đến nay, Lào đã ghi nhận 44.061 ca mắc COVID-19, bao gồm 76 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế Campuchia đã đồng ý cấp phép sử dụng thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir trong trường hợp điều trị khẩn cấp cho các bệnh nhân COVID-19. Thuốc Molnupiravir do Công ty Mylan Laboratories Limited ở Maharashtra (Ấn Độ) sản xuất.

Lo ngại vẫn còn nhiều người tử vong vì COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi giới chức các Bộ, ngành liên quan và lực lượng y tế tìm cách giảm tỷ lệ tử vong do đại dịch tại nước này. Ba ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen thông báo sẽ mở cửa tất cả các lĩnh vực, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất trong chuỗi 34 ngày bình thường mới tại Campuchia.

Trong thông cáo ngày 4/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này có 83 ca mắc COVID-19 trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 118.870 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 6 người, lên 2.813 trường hợp.

Đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng trên 4,24 triệu người mắc COVID-19.(Ảnh: AP)

Đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng trên 4,24 triệu người mắc COVID-19.(Ảnh: AP)

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi ngày 4/11 cho biết, Chính phủ nước này chưa thể tiến hành chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi trong năm nay do thiếu nguồn cung vaccine. Theo bà Nadia, Indonesia cần ít nhất 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho 25 - 27 triệu trẻ em từ 6 - 11 tuổi. Loại vaccine được sử dụng cho đối tượng này do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất.

Indonesia đặt mục tiêu cung cấp vaccine cho 80 - 85% đối tượng tiêm chủng vào cuối năm 2021, trong đó tỷ lệ tiêm mũi thứ hai đạt 60%. Mới đây, Hạ viện nước này đã yêu cầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi ngay trong năm 2021, sớm hơn mục tiêu vào tháng 1/2022 của Bộ Y tế Indonesia.

Chính phủ Philippines đang lên kế hoạch cho chương trình tổng lực "tiêm chủng 3 ngày" với mục tiêu đón lễ Giáng sinh vui vẻ. Philippines dự kiến trong 3 ngày tiêm chủng được cho 5 triệu dân. Toàn bộ nhân viên y tế sẽ tập trung cho chiến dịch tiêm chủng này. Chính phủ Philippines cũng đặt mục tiêu từ nay đến cuối tháng 11 sẽ tiêm được thêm 20 triệu liều vaccine COVID-19, hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.

Giới chức Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 ở thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng tại hơn một nửa số tỉnh thành trên cả nước.

Công ty Đường sắt quốc gia Trung Quốc cho biết đã ngừng bán vé tàu khởi hành từ 123 nhà ga tại 23 địa điểm có ghi nhận ca lây nhiễm. Trước đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định cấm người từ các khu vực có ca nhiễm đến thủ đô. Trong khi đó, sự lây lan dịch tại Bắc Kinh cũng khiến giới chức thành phố yêu cầu cách ly 2 trường học và ngừng việc học trực tiếp tại 16 cơ sở giáo dục.

Dịch bệnh đã lây lan ra 19 trong số 31 tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục. Bên cạnh dịch COVID-19, mùa đông lạnh giá sắp đến cũng khiến công tác chống dịch được các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đẩy mạnh. Ngày 4/11, Trung Quốc báo cáo 104 ca mắc mới. Hiện Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 97.527 người nhiễm bệnh, bao gồm 4.636 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Theo kế hoạch từng bước mở lại biên giới nội địa, khoảng giữa tháng 12 tới, cư dân đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có thể được phép đến Trung Quốc đại lục mà không cần phải cách ly. Tuy nhiên, việc di chuyển sẽ chỉ giới hạn ở tỉnh Quảng Đông và Thâm Quyến là điểm nhập cảnh duy nhất.

Từ ngày 11/11, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) sẽ triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 ngừa COVID-19 cho 2 nhóm đối tượng ưu tiên. Nhóm 1 là những người có khả năng miễn dịch yếu (bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và những người đang dùng thuốc tăng cường hệ miễn dịch), mũi tiêm thứ 3 phải cách mũi tiêm thứ 2 ít nhất 4 tuần. Nhóm 2 là người có nguy cơ lây nhiễm cao đã được tiêm 2 liều vaccine của hãng Sinovac, bao gồm người cao tuổi từ 60 trở lên, các nhân viên y tế, người làm công tác vận chuyển xuyên biên giới…, mũi tiêm thứ 3 phải cách mũi tiêm thứ 2 ít nhất 6 tháng.

Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đang lên kế hoạch kêu gọi Chính phủ nước này xem xét lại các biện pháp kiểm soát nhập cảnh nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, hơn 72% dân số nước này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Keidanren cho rằng cần miễn cách ly đối với những người đã tiêm vaccine COVID-19, đồng thời kêu gọi Chính phủ Nhật Bản rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh. Bên cạnh đó, Keidanren cũng kêu gọi đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm cho phép bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ được chữa trị ở các bệnh viện thông thường với điều kiện phải sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Mặt khác, Keidanren dự định đề nghị Chính phủ nước này tập trung xây dựng hệ thống y tế linh hoạt hơn để có thể ứng phó tốt hơn nếu số ca mắc mới tăng trở lại và cần xem xét lại mục tiêu giảm số lượng người đi lại. Dự kiến, tổ chức này sẽ công bố các đề xuất với Chính phủ vào tuần tới.

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngày 3/11 có bài viết kêu gọi người dân tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong mùa đông năm nay. Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và giải pháp là nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh