CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:57

Số ca mắc mới ở Lào thấp nhất trong nhiều tháng, người nhiễm Omicron ít bị triệu chứng hậu COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 23/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 427.833.187 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.891.244 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.539.709 và 7.500 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 355.380.988 người, 66.529.655 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.708 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 158.507 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 135.172 ca; tiếp theo là Brazil (100.736 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 796 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (765 ca) và Brazil (725 ca). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.202.466 người, trong đó có 962.241 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.865.431 ca nhiễm, bao gồm 512.652 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 28.351.327 ca bệnh và 645.420 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 152 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 113 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 93,96 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 53 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,42 triệu ca và châu Đại Dương gần 3,23 triệu ca nhiễm.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố kế hoạch sống chung với COVID-19 của Chính phủ nước này, theo đó mọi biện pháp hạn chế phòng dịch gồm yêu cầu tự cách ly đối với người mắc COVID-19 sẽ được dỡ bỏ tại vùng England từ ngày 24/2. Theo đó, quy định bắt buộc phải tự cách ly sẽ hết hiệu lực từ ngày 24/2. Tuy nhiên, những người này vẫn được khuyến cáo nên tự cách ly trong 5 ngày và tránh tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương.

Từ ngày 24/2, Chính phủ Anh cũng sẽ chấm dứt việc truy vết tiếp xúc thông thường và không yêu cầu những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 phải xét nghiệm hàng ngày trong 7 ngày nếu như họ đã tiêm chủng đầy đủ. Từ ngày 1/4, Chính phủ Anh hủy bỏ yêu cầu hộ chiếu vaccine, tuy nhiên vẫn để ngỏ khả năng áp dụng quy định này cho các doanh nghiệp, rạp hát và những địa điểm công cộng khác.

Anh sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch từ ngày 24/2. (Ảnh: AP)

Anh sẽ dỡ bỏ mọi biện pháp hạn chế phòng dịch từ ngày 24/2. (Ảnh: AP)

 

Các chuyên gia thuộc Cơ quan Nghiên cứu khoa học quốc gia Australia mới đây đã phát triển thành công phương pháp bảo quản vaccine mà không cần để lạnh. Trong nghiên cứu được công bố vào ngày 22/2, nhóm chuyên gia tại Australia phát hiện ra rằng, việc bọc vaccine sống giảm độc lực trong các khuôn tinh thể hữu cơ sẽ có thể giúp bảo quản nguyên trạng vaccine tối đa 12 tuần ở nhiệt độ lên đến 37°C. Hiện tại, nếu không được bảo quản trong tủ lạnh, vaccine sẽ chỉ duy trì nguyên trạng trong vài ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, mỗi năm có ít nhất 50% lượng vaccine sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí vì những khó khăn trong vận chuyển và điều kiện bảo quản.

Indonesia đã đưa ra dự báo, làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron dự kiến đạt đỉnh trong ba tuần tới, tức là khoảng giữa tháng 3/2022 Bộ trưởng Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia cho biết, các địa phương bên ngoài đảo Java và Bali đông dân hiện chiếm 23% số bệnh nhân mắc COVID-19 đang được chữa trị hoặc tự cách ly tại nhà. Mặc dù số ca mắc mới tăng mạnh, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, đang ở mức 38% trên toàn quốc. Trong khi đó, công suất sử dụng giường trong các khu cách ly tập trung mới chỉ ở mức gần 6%.

Thái Lan đã nâng cảnh báo COVID-19 lên mức 4 trong thang cảnh báo 5 cấp độ. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã nâng cảnh báo COVID-19 lên mức 4 trong thang cảnh báo 5 cấp độ. (Ảnh: AP)

 

Ngày 22/2, Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 18.363 ca mắc mới COVID-19 cùng 35 trường hợp tử vong. Tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở Thái Lan là trên 2,74 triệu trường hợp, trong đó có 22.691 người không qua khỏi.

Theo Viện Sức khỏe trẻ em quốc gia Hoàng hậu Sirikit (QSNICH) của Thái Lan, số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện này đang ngày một gia tăng, buộc bệnh viện phải khuyến nghị cách ly tại nhà đối với những trẻ có biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Trong nửa đầu tháng 2 này, số trẻ em nhập viện do mắc COVID-19 đã tăng 30% so với tháng 1. Hiện hơn 80% số giường dành để điều trị bệnh nhi hiện đã được sử dụng. Số trẻ nhập viện gia tăng vì nhiều trẻ chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và bị nhiễm biến thể Omicron tại trường học. Hiện các bệnh viện đang ưu tiên điều trị cho những trẻ dưới 1 tuổi và mắc bệnh lý nền.

Trong phát biểu đưa ra ngày 22/2, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định chủ trương không phong tỏa thủ đô và các tỉnh như năm 2021. Ông nói: "Sẽ không có việc phong tỏa thành phố, phong tỏa đất nước. Tôi không thực hiện bất kỳ biện pháp đóng cửa nào nhằm tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn, khan hiếm hàng hóa”.

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, ngày 22/2, nước này đã phát hiện 598 ca lây nhiễm biến thể Omicron và 2 trường hợp tử vong, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đạt 89,99% trên tổng số 16 triệu người dân nước này.

Bộ Y tế Lào ngày 22/2 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 140 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới thấp nhất mà Lào ghi nhận trong nhiều tháng qua. Theo Bộ Y tế Lào, tính tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 141.441 ca mắc COVID-19 và 613 người tử vong do dịch bệnh này. Mặc dù số ca mắc mới giảm xuống mức thấp, giới chức y tế Lào vẫn tỏ ra thận trọng và kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho đến khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn nữa.

Giới chức Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, họ tìm thấy virus COVID-19 trong các mẫu bao bì đóng gói thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Brazil và da lợn đông lạnh từ Ba Lan. Hong Kong đã rà soát COVID-19 đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ giữa năm 2020 và phát hiện các mẫu dương tính trên bao bì cá chim vào tháng 8/2021 và trên bao bì mực nang vào tháng 11/2021.

Số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở trung tâm tài chính toàn cầu này đã tăng mạnh từ đầu năm nay 2022 đến nay, đạt kỷ lục 7.533 trường hợp vào ngày 21/2, khiến năng lực xét nghiệm, các bệnh viện và công tác kiểm dịch của chính quyền Hong Kong gặp áp lực nặng nề.

Hiện tại chỉ có 43% người từ 80 tuổi trở lên tại Hong Kong (Trung Quốc) được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Số liệu của Đại học Hong Kong cho thấy, người cao tuổi chiếm phần lớn trong số hơn 300 ca tử vong vì COVID-19 tại đặc khu hành chính trong đợt dịch này. Ngày 21/2, Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận hơn 7.500 ca mắc mới COVID-19. Thành phố đang đối phó với làn sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh