Số ca mắc COVID-19 mới trong nước tiếp tục tăng so với ngày trước
- Y học 360
- 09:47 - 06/10/2022
Qua thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 ở nước ta thời gian này có dấu hiệu chững lại, dao động khoảng dưới 1.200 ca/ngày, thậm chí có vài ngày số mắc mới còn thấp nhất trong mấy tháng qua, ở con số gần 500 ca/ngày; trong khi giai đoạn trước thường xuyên ghi nhận số ca mắc mới ở mức 2.000 - 3.000, thậm chí gần 4.000 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.483.529 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.631 ca nhiễm).
Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.594.844 ca, trong số hơn 844 nghìn người đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 75 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 64 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 8 ca. Con số này tăng nhẹ so với các ngày trước đó thường dưới 70 ca, có ngày còn dưới 60 ca như ngày 4/10.
Chia sẻ tại buổi tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/10, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.
"Chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp để bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Tôi đã từng bị COVID-19 nhưng triệu chứng nhẹ. Nếu ai đó bị nặng, kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta nên cố gắng để tránh nhiễm bệnh", TS Angela Pratt nói.
Do đó, bà Angela Pratt khuyến khích mọi người tuân theo các nguyên tắc "2K + plus", tức là đeo khẩu trang ở những nơi đông người và không gian kín, rửa tay thường xuyên và quan trọng là tiêm vaccine phòng bệnh. Mỗi người cần tiêm chủng đầy đủ theo lịch của cơ quan y tế. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tiêm chủng ở trẻ em.
Trao đổi tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, COVID-19 là một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, đã, đang và còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cho đến nay, toàn thế giới đã có hơn 612 triệu người mắc, hơn 6,5 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong trên tổng số mắc là 0,02%, trong khi trung bình thế giới xấp xỉ 1,2%.