THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh trở lại tại Đông Nam Á

Báo Tin Tức đưa tin, phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á dẫn báo cáo của WHO cho biết ở cấp khu vực, số ca mắc mới được báo cáo trong 28 ngày, từ ngày 13/3 - 9/4, đã giảm ở 4 trong số 6 khu vực: châu Phi giảm 45%, Tây Thái Bình Dương giảm 39%, châu Mỹ giảm 33% và châu Âu giảm 22%); trong khi tăng ở 2 khu vực Đông Nam Á tăng 481% và Đông Địa Trung Hải tăng 144%.

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, tăng 1.198% từ 49 lên 636 ca mắc mới. Tại Ấn Độ, số ca mắc mới tăng 937% từ 6.374 lên 66.124 ca và ở Maldives tăng 614% từ 21 lên 636 ca. 

Bên cạnh đó, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã tăng 109% ở Đông Nam Á và 138% ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong giai đoạn báo cáo.

Theo báo cáo, từ ngày 13/3 - 9/4, thế giới ghi nhận thêm 3 triệu ca mắc mới và trên 23.000 ca tử vong vì COVID-19, giảm lần lượt 28% và 30% so với tháng trước. Tính đến ngày 9/4, trên 762 triệu ca mắc đã được xác nhận và trên 6,8 triệu ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn thế giới.

Thông tin trên báo Người Lao Động đưa tin, sáng 14/4, tổ chức y tế của Liên Hiệp Quốc WHO cho biết hiện đang theo dõi chặt chẽ một biến chủng cần quan tâm (VOI) là XBB.1.5 và 7 VUM bao gồm BA.2.75*, CH.1.1*, BQ.1*, XBB* (không bao gồm XBB.1.5*, XBB.1.16* và XBB.1.9.1*), XBB.1.16*, XBB.1.9.1* và XBF*. Dấu (*) mang ý nghĩa là bản thân các biến chủng phụ đó và các dòng "con cháu" phát sinh từ nó.

Theo hệ thống phân loại của WHO, VOI được xếp cao hơn VUM và thấp hơn VOC (biến chủng đáng lo ngại). Các VOC điển hình có thể kể đến chủng gốc, Alpha, Delta, Omicron gốc...

Kết quả phân tích 49.809 trình tự SARS-CoV-2 đã được các quốc gia chia sẻ thông qua cơ sở dữ liệu quốc tế GISAID từ ngày 13/3 đến 9/4 cho thấy XBB.1.5, một trong các biến chủng mà các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Singapore cho là đóng góp vào làn sóng mới nhất, vẫn là biến chủng chống trị.

Dòng con của XBB này đã càn quét châu Mỹ, châu Âu trước đó và cũng từng gây ra làn sóng mới. Trong tuần lễ thống kê mới nhất, VOI này đã chiếm tới 47,9% các trình tự gien toàn cầu, trong đó 11 quốc gia báo cáo XBB.1.5 chiếm hơn 50% số ca của đất nước họ.

Đánh giá chính thức từ Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) của WHO trước đó phân loại mức độ tăng trưởng của XBB.1.5 là "trung bình", khả năng thoát miễn dịch "trung bình", mức độ nghiêm trọng và cân nhắc lâm sàng là "thấp".

Dòng con này thể hiện khả năng lây nhanh, có thể gây tái nhiễm và nhiễm đột phá cao nên có thể thúc đẩy các làn sóng mới, nhưng không tăng độc lực (khả năng gây bệnh nặng và tử vong) so với các Omicron tiền nhiệm.

Ngoài XBB.1.5, kết quả giám sát mới cho thấy 3 VUM là XBB* (không bao gồm XBB.1.5*, XBB.1.16* và XBB.1.9.1*), XBB.1.9.1* và XBB.1.16* đang ngày càng gia tăng trên thế giới với tỉ lệ lần lượt 17,6%, 7,6% và 4,0% trên tổng số các trình tự gien gửi về GISAID.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây về XBB.1.16 cho thấy nó có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với XBB và XBB.1.5. Tuy nhiên, các đặc điểm trốn tránh miễn dịch của chúng là tương tự nhau.

Các VUM khác có xu hướng giảm trong cùng kỳ.

MỘC MIÊN (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh