THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:27

Số ca F0 cộng đồng tiếp tục tăng cao, Thừa Thiên Huế khẳng định vẫn được kiểm soát tốt dịch bệnh

Thừa Thiên Huế đã triển khai truy vết thần tốc, tầm soát diện rộng để khoanh vùng dập dịch. Ảnh tư liệu

Thừa Thiên Huế đã triển khai "truy vết thần tốc, tầm soát diện rộng" để khoanh vùng dập dịch. Ảnh tư liệu

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến 18h ngày 15/11/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 81 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2, trong đó: phát hiện tại khu cách ly tập trung 8 ca; giám sát y tế tại nhà 2 ca; phát hiện tại cộng đồng 71 ca. Thành phố Huế tiếp tục là địa phương có số ca F0 cao nhất tỉnh, với 62 ca được phát hiện trong ngày tại 13/36 phường, xã.

Tại cuộc họp trực tuyến triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn sáng 15/11, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những ngày qua, số ca F0 trên địa bàn được phát hiện là khá lớn. Tuy nhiên, dưới sự vào cuộc tích cực, nỗ lực tối đa của lực lượng y tế đã triển khai "truy vết thần tốc, tầm soát diện rộng" để khoanh vùng dập dịch, cơ bản tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt. 

Theo ông Phương, trong thời điểm hiện tại, công tác phòng chống dịch cần tập trung cho việc cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất, xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm. Bên cạnh đó, cần điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở để người bệnh không chuyển nặng, đảm bảo tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất có thể. Thừa Thiên Huế cũng tập trung triển khai ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cấp, các ngành cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân và hạn chế trong công tác phòng, chống dịch để có cách khắc phục; cần đưa ra được dự báo tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới để xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp, trong đó phải tính toán rất cụ thể về nguồn lực. Ông Phương cũng yêu cầu rà soát lại quy trình phòng chống dịch ở tất cả các khâu; quy trình về khám chữa bệnh và có hướng dẫn kỹ đến các tuyến cơ sở địa phương; hướng dẫn chung quy trình tầm soát như tầm soát bao nhiêu ngày một lần, tầm soát bao nhiêu phần trăm; học tập các mô hình chống dịch hiệu quả của các địa phương khác. 

Tham dự buổi họp, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chỉ rõ, hiện nay công tác phòng, chống dịch đang chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".  Ông Lưu đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nghiên cứu, kịp thời sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt. 

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế yêu cầu tiếp tục nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy các cấp, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vaccine đầy đủ, nhanh nhất cho người dân, phấn đấu sớm đạt tỷ lệ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân trên địa bàn. 

Về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho rằng cần có các cơ chế, chính sách và sự chia sẻ của toàn xã hội để góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, bảo đảm an toàn và sẵn sàng tham gia trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.   

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh