Số bệnh nhân sốt xuất huyết tại Gia Lai tăng gấp 3 lần năm ngoái
- Sức khỏe
- 01:43 - 24/06/2019
Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Dù chưa có trường hợp nào tử vong, song các ổ bệnh đã xuất hiện ở 114/222 xã, phường, thị trấn trong tỉnh và có chiều hướng diễn biến phức tạp, bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai có số ca bệnh sốt xuất huyết bùng phát như: Thành phố Pleiku, huyện Kbang, Krông Pa, Chư Prông… Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng rất cần sự chung tay của người dân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phát quang bụi rậm…
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai tuyên truyền cho người dân phòng tránh bệnh sốt xuất huyết
Ông Hoàng Văn Định, Tổ trưởng Tổ dân phố 10, phường Ia Kring, thành phố Pleiku cho biết: Bệnh sốt xuất huyết hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn. Là Tổ trưởng dân phố, tôi cùng với các thành viên trong tổ đã vận động, tuyên truyền bà con trên địa bàn chung tay phát quang bụi rậm, làm sạch những dụng cụ chứa nước đọng, hạn chế môi trường sinh sôi của muỗi để giảm thiểu bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Dương Đình Sơn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật – Trung tâm Y tế thành phố Pleiku cho biết: Thời gian gần đây, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn có chiều hướng gia tăng. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch; trong đó, công tác điều trị cũng như dự phòng luôn đồng bộ với nhau. Khi có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, chúng tôi cử nhân viên y tế xuống tận cơ sở để giám sát và xử lý ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó, công tác dự phòng cũng tập trung vào nhiệm vụ vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh và làm sạch các vật dụng ứ đọng nước để diệt lăng quăng, bọ gậy các ngày thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, bệnh sốt xuất huyết diễn biến theo chu kỳ từ 3 – 5 năm; đặc biệt, hiện đang trong thời điểm cận mùa mưa, mưa nắng thất thường, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển và bùng phát trên diện rộng. Để chủ động phòng chống, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp đầy đủ hóa chất diệt muỗi, diệt côn trùng, máy phun hóa chất, máy phun khói bổ sung cho các địa phương.
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cấp bổ sung cho các huyện 10 máy phun, gần 500 lít hóa chất diệt muỗi và hơn 150 kg hóa chất diệt côn trùng. Các địa phương đang tích cực bố trí nhân lực tuyên truyền và phun thuốc diệt muỗi, côn trùng tại các vùng trọng điểm, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Bác sĩ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng ở phía Đông của tỉnh, nhất là huyện KBang, Đắk Pơ và thị xã An Khê. Để việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả, đơn vị đã cấp đầy đủ máy móc, hóa chất cho các địa phương và chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở nâng cao trách nhiệm nắm địa bàn, kịp thời xử lý những ổ bệnh có nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, ngoài việc phun hóa chất tại các vùng trọng điểm, rất cần sự tham gia tích cực của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc-tơ truyền bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh bị muỗi đốt bằng việc thường xuyên ngủ màn, giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, không tồn lưu các dụng cụ chứa nước để hạn chế tối đa môi trường sống và sinh sôi của muỗi.
Theo Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)