THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Smart Home - xu hướng phát triển trong tương lai

 

Cuộc sống tiện nghi

Cuộc CMCN 4.0 có thể được hiểu đơn giản bằng hàng loạt tiện ích mà nó mang lại. Ngày nay, các cụm từ "nhà thông minh" và "Internet vạn vật kết nối" thường xuyên được nhắc đến như một xu hướng tiên tiến, hướng con người đến với cuộc sống tiện nghi và thoải mái do công nghệ mang lại.

Mô hình ngôi nhà thông minh.

 

Cửa tự mở bằng hệ thống cảm biến nhận diện gương mặt, kết hợp với ổ cắm thông minh sẽ tự bật sáng hệ thống đèn trong nhà. Những chiếc đèn sẽ hoạt động theo những chế độ chiếu sáng khác nhau để phù hợp nhất cho từng không gian, phòng khách, phòng ăn hay phòng ngủ. Trừ khi chủ nhân muốn thay đổi sự hoạt động của chúng, nhưng cũng không cần phải đứng lên đi lại thao tác. Chỉ cần ngồi một chỗ, bằng những cú click chuột trên smartphone hay máy tính bảng, hoặc dòng lệnh bằng giọng nói từ xa. Khi thức dậy vào buổi sớm, rèm cửa sẽ tự mở, máy pha cà phê luôn sẵn sàng hoạt động; dàn amply tự động phát ra những bản nhạc nhẹ… khiến chủ nhân cảm thấy khoan khoái.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản là tự động hóa thì có thể smart home (ngôi nhà thông minh) vẫn chưa đủ là sự lựa chọn thực sự của con người. Bất kỳ ai cũng muốn ngôi nhà của mình có thể tránh được mọi rủi ro từ những tên trộm. Những chiếc cảm biến chuyển động dù không thật sự hoàn hảo, nhưng cũng khá thông minh để nhận biết được những tác động không mong muốn từ bên ngoài. Và ngay lập tức, những tín hiệu cảnh báo khẩn cấp sẽ được gửi tới người chủ của ngôi nhà. Nhưng quan trọng hơn là những tín hiệu đó sẽ khiến cho những “vị khách không mời mà tới” nản chí và không nhòm ngó vào ngôi nhà lần nữa. Các thiết bị tự động hóa trong ngôi nhà sẽ được nối với nhau và được quản lý bởi một hệ thống máy chủ mà chỉ có người chủ thực sự của ngôi nhà mới có thể truy cập.

Đặc biệt, ngôi nhà thông minh còn đảm bảo cho sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho các thành viên trong gia đình. Những chiếc phích cắm thông minh cho phép tự động điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng và cũng sẽ tự động ngắt điện nguồn khi có bất kỳ sự cố nào về điện xảy ra. Việc tự ngắt từ lâu vẫn do các thiết bị truyền thống như Aptomat hay cầu chì đảm nhiệm. Nhưng những chiếc phích cắm thông minh có thể còn hiệu quả hơn nhờ những giá trị đột phá về mặt công nghệ. Nó có thể liên kết với cảm biến nhiệt độ để phát hiện các bất thường khi xảy ra cháy và sẽ tự ngừng cung cấp điện cho mọi thiết bị, đồng thời sẽ báo hiệu ngay lập tức cho người dùng về những rủi ro có thể xảy ra. Hay như các cảm biến chuyển động đóng, mở trên các cánh cửa, các ngăn kéo tủ có thể tự nhận diện và tránh những tác động của trẻ em, vật nuôi để không làm ảnh hưởng tới sự an toàn của những đứa trẻ khi bố mẹ không để mắt tới chúng, sự an toàn cho thú cưng của mình… Trước đây nhiều người hình dung nhà thông minh là cái gì đó cao siêu, sợ công nghệ phức tạp nên không dám trang bị, nhưng trên thực tế smart home cực kỳ dễ sử dụng ngay cả với người già và trẻ em, hầu như các thao tác đã hoàn toàn tự động, người dùng không cần phải can thiệp. Ví như, nhà có người già, trẻ nhỏ có thể đi lại trong đêm tối vì khi có hoạt động di chuyển hệ thống đèn sẽ tự bật sáng, trẻ tự nhiên đi lại không cần bố mẹ dẫn, người già không sợ lọ mọ sẽ bị ngã. Khi đi vắng về tới trước cửa nhà, hệ thống đèn tự sáng, cửa tự mở ra, trời mưa không phải xuống xe để mở cửa… Những tiện ích mà nhà thông minh mang lại cho cuộc sống hàng ngày thật đáng để sử dụng.

Các thiết bị trong nhà được gắn với smartphone.

 

Không còn là ngôi nhà độc quyền của giới thượng lưu

Lịch sử của các thiết bị được kết nối và điều khiển qua Internet được bắt đầu kể từ khi nhà nghiên cứu John Romkey tạo ra một máy nướng bánh mì (toaster) có thể được bật và tắt trên Internet cho hội nghị INTEROP tháng 10/1989. Đến năm 2000, LG công bố chiếc tủ lạnh Internet đầu tiên của hãng. Từ những thiết bị kết nối rời rạc, hiện giờ các giải pháp cho ngôi nhà thông minh đã ngày càng trở nên ưu việt và được triển khai rộng rãi cho hầu như mọi toà nhà hiện đại.

Theo báo cáo của Zion Market Research, thị trường nhà thông minh toàn cầu đã đạt giá trị khoảng 24,10 tỷ USD năm 2016 và dự kiến đạt 53,45 tỷ USD vào năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 14,5%. Trong khi Bắc Mỹ và châu Âu là những thị trường tiên phong, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể số các dự án nhà ở mới có triển khai nhà thông minh, với nhu cầu "khổng lồ" về các thiết bị điều khiển tự động trong chiếu sáng, an ninh và giải trí.

Thị trường nhà thông minh Việt Nam theo thống kê của Statista cho đến tháng 4/2018 đã đạt doanh thu khoảng 45 triệu USD. Các chuyên gia dự đoán con số này có thể đạt mức 319 triệu USD từ nay đến 2022 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 67%. Đặc biệt, Statista đánh giá thị trường nhà thông minh Việt Nam có tiềm năng rất lớn và quy mô lớn hơn cả Thái Lan.

Ngành công nghiệp bất động sản cũng đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà thông minh với việc các dự án bất động sản đang đưa nhà thông minh làm tiêu chí để cạnh tranh. Không khó để thấy các toà nhà lớn hay các khu căn hộ, khu đô thị đều đang trưng các pano, tờ rơi quảng cáo "căn hộ 4.0" hay "căn hộ thông minh". Về phía người tiêu dùng, ngày càng nhiều gia đình chủ động tìm hiểu về nhà thông minh khi xây dựng biệt thự, căn hộ, nhà riêng của mình ngay từ khi bắt đầu dự định xây sửa nhà.

Theo đánh giá của Hãng nghiên cứu Gartner, công nghệ smarthome có thể góp tới 1,9 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới vào năm 2020. Tại Việt Nam, báo cáo “Hành vi người dùng điện thoại thông minh 2017” được Nielsen Việt Nam công bố cuối năm qua cho thấy, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh trên số người sử dụng điện thoại chiếm 84% vào năm 2017, tăng 10% so với một năm trước đó (78%).

Tưới hoa tự động.

 

Những con số trên cho thấy một xu hướng không thể cưỡng lại là sự bùng nổ của điện thoại thông minh và máy tính bảng đang dần thay đổi mọi thói quen của con người, nhất là trong các hành vi tiêu dùng và hưởng thụ cuộc sống. Thị trường bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế đó, khi smarthome và cao hơn là smartliving đang trở thành lối sống thời thượng.

Bà Liễu Nguyễn, đại diện Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Mỹ nhận định, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều đô thị thông minh, trong đó smarthome là một thành tố không thể thiếu. Cuối những năm 1990, căn hộ thông minh được xem là thú chơi xa xỉ của nhà giàu, sản phẩm được sở hữu độc quyền của giới thượng lưu thế giới. Nhưng với sự ra đời và phổ biến của công nghệ vi điện tử, các thiết bị điện tử thông minh trở thành mặt hàng thông dụng. Điều này cho phép các công nghệ điều khiển thông minh được ứng dụng rộng rãi và nhanh chóng trở thành xu hướng phát triển của nhà ở tương lai.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh