"Sính" rượu, bia nhập ngoại: Tiền mất tật mang!
- Tây Y
- 12:30 - 15/12/2015
Lực lượng chức năng TP Hà Nội bên số rượu, bia ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: T.Anh
Thời điểm hiện tại – dịp cuối năm, nhiều “đầu nậu” đã và đang vào “mùa” nhập, xuất “hàng” – rượu, bia ngoại. Sẽ không có gì đáng bàn nếu các sản phẩm này đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Mới đây, ngày 4/12, Tổ công tác liên ngành Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) và Đội Quản lý thị trường số 7 (Chi cục QLTT Hà Nội) qua tuần tra kiểm soát trên đường Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phát hiện xe khách giường nằm mang BKS 74B-001xx đang bốc dỡ hàng hóa có biểu hiện nghi vấn.
Tổ công tác liền tiến hành kiểm tra hành chính và phát hiện trong khoang hàng hóa của chiếc xe có số lượng lớn đồ gia dụng (nồi cơm điện, ấm siêu tốc, máy xay sinh tố…) cùng hơn 150 thùng bia ngoại. Đáng bàn, khi bên dưới một số giường nằm của xe còn có hàng chục chai rượu ngoại không dán tem nhập nhẩu, không có nhãn phụ đi kèm. Qua kiểm tra, tài xế Phạm Thanh Hoàng đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ có liên quan.
Việc nhập các sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn xuất xứ, mập mờ chất lượng, rồi “tuồn” ra thị trường đã khiến người tiêu dùng ái ngại. Nhìn số vụ việc mà lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát hiện trong thời gian quan liên quan đến các cơ sở sản xuất rượu, bia thì lại càng thấy lo ngại hơn.
Nhắc tới vụ việc mà Đoàn Kiểm tra liên ngành Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) và Đội QLTT số 14 phát hiện tại cơ sở sản xuất rượu thủ công quy mô lớn ở quận Hà Đông (Hà Nội) vào ngày 9/12, nhiều người chưa hết “gai” người trước những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm với những sản phẩm này.
Trước đó, qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại đối với cơ sở kinh doanh rượu trên, cơ sở này chỉ xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký sản xuất kinh doanh rượu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu cũng như việc công bố đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Qua kiểm đếm trong kho hàng của cơ sở trên, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 2.000 thùng rượu các loại (rượu nếp, rượu vang nho,...).
Hiện chưa có thống kê chính thức nào về số lượng rượu lậu, rượu giả kém chất lượng đã tuồn ra thị trường trong thời gian qua, thế nhưng chỉ cần nhìn vào số vụ việc mà các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, cũng như số ca ngộ độc rượu luôn gia tăng trong dịp cuối năng, có thể thấy rằng, thị trường rượu, bia hiện nay đang khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần. Những ngày này, chỉ cần dạo quanh các tuyến phố như: Đội Cấn, Giang Văn Minh, Giảng Võ, chợ Hàng Da… một lượt, không khó để bắt gặp các cửa hàng bày bán, kinh doanh các sản phẩm rượu, bia ngoại. Người tiêu dùng ra vào đông. Các loại rượu, bia ngoại đắt tiền như Chivas, Macallan, Ballantines… có giá dao động từ 1,8 triệu đồng đến 10 triệu đồng luôn được người tiêu dùng “chuộng” hơn cả.
Ông Lưu Bách Chiến – Đội trưởng Đội QLTT số 2 cũng cho biết, đây đang vào thời điểm “nóng” về hoạt động kinh doanh mua bán rượu, bia ngoại. Nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm, ngay từ cuối tháng 11/2015, đơn vị đã triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh vi phạm, nhất là đối với các trường hợp chào bán các sản phẩm rượu – bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Rượu, bia nhập lậu, kém chất lượng đã và đang trở thành yếu tố làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng. Trước sự bùng nổ công nghệ thông tin, Internet như hiện nay, nhằm hút khách hàng, nhiều “đầu nậu” đã chào bán các sản phẩm rượu, bia được cho là hàng “xách tay” từ nước ngoài về, là quà được biếu… trên trang mạng Internet. Chỉ cần truy cập vào trang mạng internet ít phút, sẽ dễ dàng thấy những đường link cung cấp các địa chỉ quảng cáo, rao bán rượu, bia “xách tay”.
Ngày 12/12, trao đổi với PV Báo CAND, ông Lưu Bách Chiến cho rằng, cái khó hiện nay trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đó là chủ các cơ sở kinh doanh rượu, bia ngoại thường cất giữ mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ một nơi, mời chào khách một nơi. Khi khách có nhu cầu thì mới giao hàng.
Còn tại cửa hàng, số lượng rượu, bia ngoại nhập lậu được cất giữ rất ít. Do đó, việc bắt giữ xử lý các trường hợp kinh doanh với số lượng sản phẩm lớn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian qua, qua kiểm tra, Đội QLTT số 2 cũng đã phát hiện một số vụ sử dụng tem nhập khẩu quay vòng, nhập nhằng giữa loại rượu nổi tiếng, đắt tiền với loại rượu ngoại rẻ tiền không được nhiều người ưa chuộng.
Đại diện Đội QLTT số 2 cũng khuyến cáo, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách nên tìm đến các cơ sở kinh doanh rượu, bia chính hãng, có uy tín để mua các sản phẩm. Khi mua cần kiểm tra kỹ nguồn gốc, chất lượng tem mác, nút chai, màu sắc rượu… Không nên mua các loại rượu, bia gắn mác là hàng “xách tay” được rao bán tràn lan trên mạng Internet.