Siêu bão số 9 tàn phá miền Trung nhưng không thể cuốn đi lòng người
- Y học 360
- 21:07 - 01/11/2020
Bão số 9 khiến miền Trung trở nên hoang tàn
Tuần qua, thiên tai đã tàn phá các tỉnh miền Trung của Việt Nam. Những diễn biến của bão lũ, những biện pháp quyết liệt để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đã được phản ánh đậm nét trên các trang báo. Bão lớn năm nào cũng có nhưng mạnh như bão số 9 với tên gọi Molave thì rất hiếm.
Chính vì vậy mà công tác dự báo, ứng phó đã được tiến hành một cách rất thận trọng, liên tục để có thể kéo đến mức thấp nhất những thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trực tiếp chỉ đạo về tình hình dự báo cơn bão.
Báo Người Lao động đặt dòng tít: Cơn bão cực mạnh uy hiếp miền Trung và nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là huy động mọi lực lượng để ứng phó bão số 9. Sẵn sàng sơ tán 1,3 triệu người trước khi bão vào.
Tờ Tuổi trẻ nhận định, bão số 9 tương tự cơn bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006, bão Sơn Tinh vào Nam Định năm 2012, bão Damrey năm 2017 khi đổ bộ mạnh cấp 12-13.
Còn tờ Thanh niên gọi đây là một trong những cơn bão mạnh nhất ở Việt Nam trong 20 năm qua.
Theo dõi các thông tin được Đài truyền hình, các tờ báo cập nhật liên tục, chúng ta đã thấy được cơn bão đã tàn phá như thế nào khi nó đổ bộ trên thực tế.
Nhìn những hình ảnh nhà cửa tan hoang, những con thuyền rách nát do sóng gió, đọc những thống kê về số người thiệt mạng và mất tích, cũng có thể hiểu được sức tàn phá của cơn bão ghê gớm như thế nào. Về diễn biến cơn bão ở từng địa phương, có lẽ các báo hàng ngày đã cập nhật rất đầy đủ và kịp thời nên chúng tôi xin phép không nhắc lại. Nhưng điều cần nói ở đây, chính là công tác ứng phó. Trong tình cảnh "bão chồng bão, lũ chồng lũ" như vậy, Chính phủ đã rất kiên quyết nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, đặt tính mạng người dân lên hàng đầu.
Tờ Nông thôn ngày nay nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng, đó là cứu người là quan trọng nhất, di dời dân, cương quyết đưa ngư dân lên bờ. Các địa phương đều phải có phương án di dời dân một cách phù hợp, không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân sống ven biển. Và đúng như kịch bản, hơn 1,2 triệu người trong khu vực ảnh hưởng của bão đã được di dời.
Thực hiện chỉ đạo ấy, quân đội đã vào cuộc từ rất sớm để hỗ trợ người dân. Hàng trăm ngàn hộ dân sống ở những khu vực xung yếu đã được di tản đến nơi an toàn hơn. Còn tại địa phương, chính quyền địa phương cấm người dân trong vùng tâm bão ra đường trong khung thời gian mà bão đổ bộ, theo tờ Thanh niên.
Tạp chí điện tử Zing News nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng, đó là yêu cầu các địa phương không tổ chức họp trong những ngày mà bão đổ bộ, trừ cuộc họp rất cần thiết, để tập trung chỉ đạo người dân và cơ sở ứng phó với bão.
Cuối cùng bão đã đổ bộ, tạo nên những khung cảnh hoang tàn tại nhiều địa phương. Theo thống kê của tờ Lao động, cho đến sáng 30/10, bão số 9 đã làm 20 người chết, 42 người mất tích, người bị thương là 51 người. Có 227 nhà sập, có gần 88.600 nhà tốc mái và hư hỏng; 49 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng. Bão số 9 cũng làm hệ thống giao thông ở nhiều địa phương miền trung bị sạt lở và chia cắt.
Điều kỳ diệu giữa tang thương Trà Leng
Bão tan, nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Người dân lại tiếp tục đối mặt với nguy cơ lũ lụt do hoàn lưu bão gây ra, và đặc biệt là sạt lở. Tờ Người Lao động cho biết Ít nhất 3 vụ sạt lở núi liên tiếp xảy ra tại tỉnh Quảng Nam đã khiến 19 người chết, hàng chục người mất tích, trong đó phải kể đến 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My. Rất may mắn là hơn 33 người thoát chết.
Tâm bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi, Quảng Nam sức gió đo được cấp 12, giật cấp 15. Với sức gió khủng khiếp này, thiệt hại về vật chất là không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo tờ Tuổi trẻ nhận định với sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương, đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tờ báo này dẫn lời lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, có nhiều trận bão nhỏ diễn ra năm 2017 nhưng lại gây thiệt hại lớn. Còn với cơn bão số 9, thiệt hại đã được hạn chế xuống mức thấp nhất. Đó là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những cuộc họp bàn phương án nhanh chóng được triển khai cụ thể đến từng địa phương, sự chủ động của chính quyền các cấp, nhận thức của người dân, và sự hỗ trợ đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, bài học kinh nghiệm từ công tác chống bão lần này đã được chỉ rõ và qua đó, mang lại thành công nhất định.
Theo tờ Nhân dân, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cứu hộ, cứu nạn quyết liệt; ra các chỉ thị kịp thời để sơ tán 1,3 triệu dân đến nơi an toàn. Đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, không chỉ đóng ở Đà Nẵng khi bão chưa đến mà còn di chuyển vào Tam Kỳ, Quảng Nam và một bộ phận trực tiếp vào Quảng Ngãi.
Tờ Nông thôn ngày nay trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm tổ chức các lực lượng hỗ trợ cần thiết, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường như bảo đảm giao thông, dựng lại nhà cửa, đưa học sinh trở lại trường học. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là lực lượng quân đội, công an tiếp tục cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm những người mất tích, bị đất đá chôn vùi, ngư dân bị mất liên lạc.
Bão qua, tình người ở lại
Cũng trong thời gian bão tấn công các tỉnh miền Trung, báo chí cũng có nhiều bài viết đáng chú ý về những con người đã hết lòng giúp đỡ những đồng bào mình vượt qua thiên tai.
Không chỉ trong cơn bão số 9, ngay từ đợt mưa lũ trước đó, đã có những người dân, không ngại hiểm nguy lao ra dòng nước lũ để cứu người.
Báo Thanh niên chia sẻ câu chuyện đầy cảm động về tấm gương nhóm thanh niên đã cứu người giữa lũ dữ Hà Tĩnh. Trong khi mưa như trút, những ngôi nhà tại xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên bị ngập tới nóc, các anh Lê Văn Thành, Lê Văn Công, Đậu Văn Hoàng và Phạm Văn Đồng đã dùng thuyền, cứu những người dân bị mắc kẹt. Với những nỗ lực đó, trong 3 ngày, 300 người dân đã được các anh đưa đến nơi an toàn.
Báo Gia đình và Xã hội nhắc tới trận lũ lịch sử ngày 18/10 tại Quảng Bình, nơi mà bà con ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, sẽ luôn nhớ đến bác Võ Văn Bình, 67 tuổi, người đã không nề hà tuổi tác, vượt qua tất cả nỗi sợ hãi để lao thuyền vào lũ dữ cứu một gia đình 6 người trong cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".
Giúp đỡ nhau trong hoạn nạn khó khăn, với tấm lòng rộng mở, đó là truyền thống từ bao đời nay. Trong cơn bão này, tình dân tộc - nghĩa đồng bào một lần nữa lại bùng cháy.
Báo Nông nghiệp Việt Nam bình luận: Chúng ta chỉ có một vũ khí chống chọi mà siêu bão Molave không thể cuốn đi, đó là lòng người. Lòng người không khuất phục với nghịch lý thiên tai trớ trêu. Siêu bão Molave rồi cũng tan. Người dân miền Trung sẽ dựng lại nhà, sẽ trồng lại cây. Siêu bão Molave không thể cuốn đi lòng người Việt Nam hướng về miền Trung và san sẻ cùng miền Trung.
Nhắc lại những câu chuyện về cá nhân, tổ chức cung cấp chỗ ăn, chỗ ở miễn phí, có xe để chở người dân đến nơi trú bão an toàn, tờ Người lao động khẳng định, lụt rồi sẽ hết, bão rồi sẽ qua, tình người ở lại, mãi còn, lắng sâu. Để khi hoạn nạn, ngặt nghèo lại bừng cháy những ngọn lửa tình người, ấm lại những trái tim, tỏa sáng nụ cười; giúp nhau đi qua khốn khó, hướng về ngày mai tươi sáng hơn.
Liên tiếp chịu ảnh hưởng của các đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ, thiệt hại và mất mát về tính mạng cùng tài sản của người dân miền Trung đến nay là vô cùng nặng nề.
Vì thế khi có thông tin về cơn bão số 9 đổ bộ, người dân miền Trung đã hết sức cảnh giác, đồng thời có nhiều cách làm sáng tạo để ứng phó với bão, nhờ đó mà giảm tối đa các thiệt hại.
Những hình ảnh trên các báo điện tử sẽ minh chứng cho điều này:
Thuê hẳn một chiếc xe container đỗ trước cửa, cách làm sáng tạo của một chủ khách sạn ở Đà Nẵng xem ra mang lại hiệu quả bất ngờ. Không có tổn thất nặng nề nào khi bão số 9 đi qua.
Cũng không chủ quan, những cơ sở kinh doanh dịch vụ này lại mua ván gỗ về để che chắn cho các cửa kính. Làm như thế kính sẽ hạn chế bị va đập dẫn tới vỡ vụn.
Để tránh bị tốc mái và xô đổ nhà, nhiều hộ dân ở Quảng Nam đã dùng các bao cát, túi ni lông, can nhựa đựng đầy nước để gia cố. Việc dùng các túi nước được ưu tiên hơn vì dễ xử lý và không làm hư hại mái nhà sau bão.
Thậm chí có người còn dán băng keo vào cửa kính để hạn chế tác động của gió, tránh bị vỡ thành nhiều mảnh.
Cơn bão số 9 đã qua đi. Nhưng với tinh thần đề phòng cao như thế này, hậu quả tiêu cực do các cơn bão gây ra sẽ được giảm bớt phần nào.