CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:06

Siêu bão ngày càng nhiều, do đâu?

 

Trong khi siêu bão Mangkhut càn quét khắp khu vực Đông Á và bão Florence đày đọa Bờ Đông nước Mỹ, các nhà khoa học một lần nữa đẩy cao cảnh báo nhiệt độ toàn cầu tăng lên đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều siêu bão tương tự.

Hiểm họa từ nước biển ấm

Cơ quan Khí tượng Hồng Kông cho hay các siêu bão ở cấp độ mạnh nhất đang xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn so với giai đoạn từ năm 1961-2010. Siêu bão là bão nhiệt đới với sức gió duy trì ở mức tối thiểu 185 km/giờ. Bốn cơn bão gồm Jelawat, Maria, Jebi và Mangkhut đã đạt cấp độ siêu bão ở phía Bắc Thái Bình Dương và biển Đông tính từ đầu năm đến nay. "Nhiệt độ ấm lên của mặt nước biển khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên tàn khốc hơn. Trong mùa hè này, nhiệt độ bề mặt nước biển ấm bất thường ở nhiều nơi trên thế giới và đây là một phần của xu hướng nóng lên trên toàn cầu" - ông Xie Shang-ping, nhà khoa học môi trường tại ĐH California (Mỹ), cho biết.

 

 Hình ảnh siêu bão Mangkhut nhìn từ không trung Ảnh: CƠ QUAN KHÍ TƯỢNG NHẬT BẢN

 

Tác động của biến đổi khí hậu tạo ra những cơn bão nhiệt đới mạnh hơn có thể được lý giải bằng cơ chế hình thành của những cơn bão trên đại dương. Lốc xoáy như những "động cơ" khổng lồ sử dụng không khí nóng ẩm làm năng lượng và chỉ hình thành trên vùng biển ấm gần đường xích đạo. Không khí nóng ẩm từ bề mặt đại dương bốc lên tạo ra một vùng áp suất thấp. Hiện tượng này khiến không khí liên tục di chuyển xoay tròn từ vùng áp suất cao vào vùng áp suất thấp. Chỉ khoảng 10% các cơn lốc xoáy phát triển thành bão nhiệt đới có sức gió đạt tốc độ từ 118 km/giờ. Nhiệt độ ấm của bề mặt nước biển sẽ tiếp thêm nhiều năng lượng cho lốc xoáy, từ đó hình thành nên mây và bão nhiệt đới.

 

Cô gái vật lộn giữa mưa to gió lớn tại Thẩm Quyến, Trung Quốc khi bão Mangkhut tấn công Ảnh: REUTERS

 

Khi nhiệt độ Bắc bán cầu mát dần từ cuối mùa hè, nhiệt độ ấm của nước biển có điều kiện thuận lợi truyền năng lượng nóng ẩm từ đại dương lên vùng không khí phía trên, tạo nền tảng hình thành các cơn bão. Quá trình này đã đẩy nhanh sự hình thành của các cơn bão nhiệt đới và góp phần làm tăng cường độ của chúng, dẫn đến việc các siêu bão diễn ra trong tháng 9. "Nhìn chung, cường độ của những cơn bão nhiệt đới sẽ tăng lên cả về sức gió và lượng mưa. Tuy nhiên, các vùng biển xuất hiện bão sẽ không đồng đều và điều này phụ thuộc vào mức độ ấm lên của các khu vực ở đại dương" - ông Xie nhận định với tờ The South China Morning Post (Hồng Kông).

 

Ngập lụt tồi tệ tại Bắc Carolina, Mỹ do bão Florence Ảnh: REUTERS

 

Trong khi đó, ông Choy Chung-wing, chuyên gia từ Cơ quan Khí tượng Hồng Kông, cho biết bão nhiệt đới sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn trong những năm tới. Ông Choy cảnh báo: "Khí hậu ấm lên về lý thuyết sẽ làm tăng cường độ của các cơn bão trong tương lai. Cùng với sự gia tăng của mực nước biển, mối đe dọa từ những cơn bão nhiệt đới đối với những thành phố ven biển sẽ ngày càng tăng".

Không chừa nơi nào

Hồi tháng 7 vừa rồi, nhiệt độ cao kỷ lục cũng được ghi nhận khắp Bắc bán cầu, từ Na Uy tới Nhật Bản. Tại Hy Lạp, nắng nóng trong mùa hè là điều bình thường nhưng đợt nắng nóng vừa qua đã gây ra trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, khiến ít nhất 82 người thiệt mạng. Còn ở Thụy Điển, tháng 7 vừa rồi có nhiệt độ nóng nhất trong tất cả các tháng 7 suốt 250 năm qua, dẫn đến khủng hoảng hạn hán và cháy rừng.

Bà Elena Manaenkova, Phó Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cho rằng nhiệt độ tăng cao bất thường là tác động của biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính gây ra. Trong báo cáo hồi năm 2012, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc cảnh báo thời tiết khắc nghiệt sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên trong những thập kỷ tới.

Thậm chí, khi thế giới duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C như Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia dự đoán nhiều vụ lũ lụt, hạn hán, nắng nóng và bão sẽ diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên (Anh) hồi năm 2017 cảnh báo ngay cả khi các cam kết trong Hiệp định Paris được thực thi, khoảng 50% dân số thế giới vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ nắng nóng chết chóc vào năm 2100, so với con số 30% như hiện nay.

Chuyên gia khí hậu người Pháp Jean Jouzel cảnh báo những đợt nắng nóng khắc nghiệt như năm 2003, từng làm chết 70.000 người tại châu Âu, có nguy cơ xảy ra thường xuyên sau năm 2050 hoặc 2060. Theo Ủy ban châu Âu (EC), 2017 là một trong những năm cháy rừng tồi tệ nhất ở châu Âu, với khoảng 800.000 ha rừng bị san bằng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Báo cáo PESETA II của EC cũng ước tính diện tích rừng có nguy cơ cháy tại phía Nam châu Âu sẽ tăng lên khoảng từ 50%-100% trong thế kỷ XXI, với mức độ tăng tùy thuộc vào tốc độ nóng lên của trái đất. 

 

Bão "quái vật" tàn phá Trung Quốc, Philippines, nhấn chìm Hồng Kông

Cả Hồng Kông và Nam Trung Quốc đều ban bố báo động đỏ khi siêu bão Mangkhut - trận bão mạnh nhất thế giới trong năm nay - tiến vào hôm 16-9, sau khi tàn phá khắp miền Bắc Philippines và cướp đi sinh mạng của ít nhất 30 người.

Gần nửa triệu người đã phải sơ tán khỏi 7 thành phố ở tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc, vì nguy cơ lở đất nghiêm trọng ở khu vực này do bão Mangkhut. Hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ và tất cả các tuyến đường sắt cao tốc cùng một số tuyến thông thường ở Quảng Đông, Hải Nam đều ngừng hoạt động. Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc nói rằng miền Nam Trung Quốc đối mặt với thách thức vô cùng khủng khiếp trong trận bão được mệnh danh là quái vật này và hối thúc giới chức trách chuẩn bị cho khả năng thảm họa.

 

Giải cứu cư dân bị chôn vùi trong lở đất ở Baguio - Philippines do bão Mangkhut Ảnh: REUTERS

 

Đáng ngại hơn, theo tờ South China Morning Post, 2 nhà máy điện hạt nhân ở TP Dương Giang và Đài Sơn (tỉnh Quảng Đông) được cho là nằm trên đường đi của bão Mangkhut đổ bộ vào đại lục Trung Quốc. Tuy vậy, 2 đơn vị này tuyên bố họ đã trong tư thế sẵn sàng đương đầu khi siêu bão ập đến. Nhà máy Điện Đài Sơn khẳng định giới chức nhà máy đã bàn bạc phương thức đối phó với bão và các chuyên viên đã thực hiện công tác kiểm tra an toàn. Các đội phản ứng khẩn cấp cũng đã sẵn sàng đón bão. Trước đó, về phần mình, công nhân Nhà máy Dương Giang - cách Hồng Kông 230 km về phía Tây - đã bảo đảm an toàn cho 5 tổ máy phát điện. Giám đốc nhà máy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đóng chặt toàn bộ cửa ra vào, cửa sổ tại đây và đoan chắc trận bão Mangkhut sẽ chỉ gây ảnh hưởng tối thiểu đến các tổ máy.

Cả Hồng Kông và Macau đều nằm trên đường đi của Mangkhut. Cơ quan Quan sát Hồng Kông đã ban hành cảnh báo bão cao nhất. Theo đó, mực nước đã dâng lên nhanh và chỉ trong vòng nửa giờ lên đến ngang thắt lưng ở khu dân cư Heng Fa Chuen. Con đường dẫn đến nơi này bị ngập nước và nhiều cây bị ngã đổ. Còn ở khu vực Hung Hom, hàng chục cửa sổ tại tòa nhà văn phòng One Harbourfront vỡ nát.

 

Tòa nhà bị phá hủy nhiều cửa sổ ở Hồng Kông trong bão Mangkhut Ảnh: REUTERS

 

Trong khi đó, Macau lần đầu tiên đóng cửa tất cả 42 sòng bạc giữa lúc siêu bão Mangkhut kéo đến hôm 16-9 trong khi nhà chức trách khuyến cáo vùng đất này sẽ bị lụt lội nghiêm trọng. Năm ngoái, chính quyền Macau bị người dân chỉ trích nặng nề vì đã không chuẩn bị cho thành phố này đón bão Hato, dẫn tới thiệt hại rộng khắp và 12 người chết. Sau khi Macau bị bão tàn phá nặng nề nhất trong hơn 50 năm, nhân vật đứng đầu cơ quan dự báo thời tiết thành phố này đã phải từ chức và chính quyền đã buộc phải lên tiếng xin lỗi vì đã không chuẩn bị trước để đương đầu bão hiệu quả.

Trước đó, bão Mangkhut đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 30 người và để lại dấu vết của sự tàn phá khắp miền Bắc Philippines. Kênh Sky News tường thuật nhà cửa bị đổ sụp, đất bị sạt lở trong khi hơn 5 triệu người lọt vào đường đi của trận bão chết người này. Ông Francis Tolentino, cố vấn Tổng thống Rodrigo Duterte, cho biết hầu hết số ca tử vong đều xảy ra ở các khu vực miền núi.

Còn ở Mỹ, đài CNN đưa tin các biện pháp an toàn đã được áp dụng tại 6 nhà máy điện hạt nhân nằm trên đường đi dự kiến của bão Florence - vốn đã gây ra ít nhất 14 ca tử vong, tính đến ngày 16-9. Nhiều nơi ở bang Bắc Carolina đã hứng chịu lượng mưa hơn 60 cm và tình trạng mưa như trút nước vẫn tiếp diễn khiến giới chức trách lo ngại lũ lụt tồi tệ chưa từng thấy có thể xảy ra ở một số khu vực.

LỤC SAN

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh