Siêu âm thai, ngoài xem chiều cao, cân nặng của con, mẹ bầu nên để ý cả đến 2 chỉ số khác
- Y học 360
- 15:56 - 14/07/2020
Các mẹ đã và đang mang bầu chẳng lạ gì những tờ giấy in kết quả siêu âm thai nhi. Nhưng hầu hết mọi người chỉ quan tâm xem bức ảnh chụp con nằm trong bụng mẹ và chiều cao, cân nặng của em bé mà không để ý tới rất nhiều chỉ số khác trên tờ giấy thông báo kết quả.
Theo các bác sĩ siêu âm, ngoài chiều cao và cân nặng, có 2 chỉ số quan trọng khác tiết lộ nhiều điều về sức khỏe của em bé, mẹ bầu phải đặc biệt lưu ý, nếu không rõ cần nhờ bác sĩ đọc kết quả và giải thích 2 chỉ số đó.
Đường kính lưỡng đỉnh (BPD)
BPD là gì?
Đường kính lưỡng đỉnh (Biparietal diameter, viết tắt là BPD) là đường kính được đo ở mặt cắt lớn nhất của hộp sọ thai nhi. Hiểu đơn giản đây là chỉ số đo đường kính đầu em bé.
Trong siêu âm thai nhi, đường kính lưỡng đỉnh là chỉ số rất quan trọng giúp bác sĩ xác định trọng lượng thai nhi, tính tuổi thai, đánh giá phần nào sự bất thường của hệ thần kinh, đồng thời đánh giá tốc độ phát triển của em bé trong bụng mẹ.
Ở những tuần đầu thai kì, mẹ bầu sẽ chưa thấy chỉ số này in trên giấy kết quả siêu âm bởi nó chỉ có thể bắt đầu đo thông qua hình ảnh siêu âm khi thai nhi đủ 13 tuần tuổi. Từ 13 - 20 tuần tuổi, phần đầu bé phát triển rất nhanh, nếu thai đã lớn mới đo thì chỉ số đường kính lưỡng đỉnh sẽ không cao nữa.
Chỉ số BPD bao nhiêu là bình thường?
Đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi tính từ tuần 13 đến tuần 40 dao động từ khoảng 88 - 100mm, trung bình khoảng 94cm. Nếu nhìn kết quả siêu âm, mẹ bầu thấy thai nhi có chỉ số này nhỏ hơn bình thường thì có khả năng em bé chậm phát triển hoặc phần đầu phẳng hơn các bé bình thường.
Trái lại, nếu chỉ số BPD quá lớn, có thể thai có phần đầu lớn, mẹ sẽ khó sinh thường.
Nếu chỉ số BPD không nằm trong mức bình thường, bác sĩ thường sẽ yêu cầu siêu âm lại hoặc thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra khác để chẩn đoán kĩ hơn tình trạng sức khỏe của thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ cũng phải đọc các chỉ số khác như chiều dài xương đùi, chui vi vòng bụng, chu vi vòng đầu... để chẩn đoán chính xác nhất tốc độ phát triển cũng như sức khỏe của em bé.
Chiều dài xương đùi (FL)
Nhiều mẹ tin rằng nếu chiều dài xương đùi dài thì con sẽ cao, ngược lại, nếu chỉ số này thấp thì con sẽ thấp lùn. Nhưng sự thật chiều cao của em bé không chỉ được xác định bởi chiều dài xương đùi. Đôi khi chiều dài xương đùi nhỏ có thể do vị trí nằm của thai nhi không thuận lợi cho việc đo lường.
Đây là 1 trong các chỉ số quan trọng của thai nhi, được xác định từ tuần thứ 14 của thai kỳ và luôn xuất hiện trong kết quả siêu âm những lần sau. Ngoài đánh giá sự phát triển của thai nhi thì chiều dài xương đùi còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện hội chứng Down.
3 yếu tố ảnh hưởng đến chiều dài xương đùi, bao gồm:
- Di truyền: Di truyền là một trong những yếu tố mang tính quyết định chiều dài xương đùi của thai nhi, thường chiếm khoảng 23%.
- Chế độ dinh dưỡng: Nếu mẹ bầu quá chú trọng bổ sung đạm, ít uống sữa và thực phẩm giàu canxi, ăn quá nhiều tinh bột, đường, chất béo... cũng tác động đến sự phát triển của chiều dài xương đùi.
- Thói quen sinh hoạt: Ngoài ra, theo các chuyên gia, một số thói quen sinh hoạt hàng ngày như thức khuya, uống đồ ngọt, chất kích thích nhiều... cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của bé.
Để cải thiện chỉ số này, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất quan trọng như vitamin D, canxi, đạm, axit folic, DHA... trong suốt quá trình mang thai.