THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:26

Siết chặt quản lý, hạn chế tiêu cực của thuỷ điện nhỏ và vừa

Tại phiên thảo luận chiều 4/11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về những vấn đề liên quan tới thủy điện được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước, đánh giá tác động của các dự án này như thế nào đến môi trường; từ đó có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập và thông tin rộng rãi để nhân dân yên tâm.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, thủy điện không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ dội hơn và tàn phá nặng nề hơn. 

Do đó, Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá đầy đủ trực trạng rừng hiện nay, đặc biệt chất lượng rừng; tình hình thực hiện các dự án thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên để có giải pháp căn cơ và lâu dài.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, thiên tai bão lụt ở miền Trung thời gian qua có liên quan đến diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, đòi hỏi việc trồng rừng tái sinh cần được triển khai ngay, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra; bởi có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.

Bà Nguyễn Thị Xuân cũng đề nghị Chính phủ bố trí vốn cho rừng trồng tái sinh, đồng thời đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ không hiệu quả, thiếu tính khả thi ra khỏi Quy hoạch điện đến năm 2030.

Hiện cả nước có 429 đập thủy điện với các quy mô khác nhau, dung tích trữ nước 56 tỷ m3, công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37% công suất điện hiện nay.

"Đây là nguồn năng lượng rất quan trọng, phục vụ nhu cầu năng lượng trong quá trình phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

"Trên thực tế ngoài chức năng phát điện, thủy điện còn có tác dụng tích nước và tùy thuộc công suất có thể cắt giảm lũ. Song một mặt nó cũng có tác động đến môi trường, nước, đất. Vì vậy, từ lâu vấn đề thủy điện rất được các cơ quan chức năng quan tâm".

Bộ trưởng cho biết, hàng năm đều có các cuộc kiểm tra giám sát chặt chẽ, đầy đủ theo đúng Nghị quyết 62 của Quốc hội về mức độ an toàn của các hồ đập thuỷ điện, sự vận hành của hệ thống các hồ đập thuỷ điện, nhất là sự tham gia của các hồ đập này trong phòng chống bão lũ, thiên tai tại địa phương. 

Đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ không cho thuỷ điện xâm dụng đến rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất trên các dự án được bổ sung quy hoạch đã giảm mạnh, chỉ còn 1,9 ha cho 1 MW điện.

"Điều này cho thấy chúng ta thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc theo chỉ đạo của Quốc hội", Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Đánh giá về tác động, Bộ trưởng không phủ nhận tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, cũng như đời sống dân sinh. Nhưng ông đánh giá, đây là vấn đề tổng thể, tùy thuộc vào cách thức khai thác của con người.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời tiết ngày càng có tính dị thường, cực đoan. Ví dụ như lượng mưa tại nhiều tỉnh miền Trung lên tới hàng nghìn mm. 

Đơn cử như ở Trà My, lượng mưa lên tới 2.500 mm, thời gian lưu bão số 9 kéo dài đã tạo ra tác động đến cấu tạo địa chất cũng như các điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương và gây ra sạt lở rất nghiêm trọng.

“Chúng ta phải xác định đối phó với thiên tai bão lũ là một câu chuyện mới và phải căn cứ công tác nghiên cứu khoa học để đưa ra những dự báo, cảnh báo cụ thể hơn nữa nhằm làm tốt công tác phòng, chống thiên tai cũng như về phát triển kinh tế xã hội” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu ý kiến.

Với tinh thần cầu thị, tiếp thu, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh sẽ tiếp tục làm việc các địa phương và các bộ, ngành nhằm rà soát, đánh giá về những mặt hạn chế, những mặt tích cực để từ đó có căn cứ chính xác, báo cáo Chính phủ, tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có, đồng thời tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả.



Thành Công - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh