THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 05:48

Siết chặt quản lí các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú

 

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, trong thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí đã buông lỏng quản lí hoạt động của các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú. Nhiều nơi cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên, giấy chứng nhận phóng viên một cách tràn lan, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để làm việc xấu, gây bức xúc trong dư luận xã hôi. Nhiều văn phòng đại diện hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích. Công tác tuyển chọn phóng viên thường trú ở nhiều nơi cũng dễ dãi, để lọt nhiều người không có chuyên môn, yếu kém cả về chính trị và đạo đức. Một số phóng viên thường trú từng là tội phạm truy nã, thậm chí có quan hệ với xã hội đen và các đối tượng chống phá chế độ. 

Các sai phạm trên, theo ông Phúc, một phần là do các cơ quan báo chí khoán trắng cho văn phòng đại diện trong khi không có cơ chế giám sát chặt chẽ. “Nếu như cơ quan báo chí để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, nhiều lần thì cơ quan chủ quản phải có biện pháp xử lý người đứng đầu. Nếu cơ quan báo chí không đảm bảo tài chính hoạt động thì cơ quan chủ quản cũng cần xem xét đình bản” – ông Phúc nói. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú là cánh tay nối dài của tờ báo để có thể thông tin tuyên truyền đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần xem lại năng lực, nhu cầu thực tế, tôn chỉ mục đích cũng như khả năng tài chính…của các văn phòng đại diện. “Có hay không chuyện các tạp chí hình thành văn phòng đại diện để làm chân rết mang về nộp cho cơ quan chủ quản? Chúng ta không thể đưa ra quy định tạp chí thì không được có văn phòng đại diện vì như thế sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, trước khi mở văn phòng đại diện, bản thân cơ quan báo chí phải tự xem xét có cần thiết không, điều kiện tài chính có đảm bảo không” – Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.

 

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì buổi làm việc 

 

Thứ  trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, hiện nhiều văn phòng đại diện hoạt động chưa hiệu quả là do sự phối hợp với địa phương chưa tốt. “Một số tờ báo Trung ương không chủ động thiết lập mối quan hệ với địa phương do nghĩ mình là tờ báo lớn. Trong khi đó, nhiều địa phương cũng e ngại các báo Trung ương nên né tránh, không cung cấp thông tin. Để tăng cường mối quan hệ hợp tác, Sở Thông tin – Truyền thông cần tham mưu cho chính quyền địa phương để chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Trong trường hợp cơ quan báo chí có sai phạm thì báo cáo đơn vị chủ quản hoặc cơ quan quản lí nhà nước” – Thứ trưởng nói thêm. 

Để đưa hoạt động báo chí vào nề nếp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp cùng Thanh tra Bộ, Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) nghiên cứu, rà soát những quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú để có điều chỉnh phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh những sai phạm của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, xử lí theo quy định của pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh