Siết chặt kiểm tra thị trường sản phẩm kit xét nghiệm, thuốc Covid-19
- Y học 360
- 09:51 - 03/03/2022
Thực hiện chiến dịch kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện hàng chục vụ việc vận chuyển kinh doanh các loại vật tư y tế, thuốc chữa bệnh Covid-19 trên thị trường với nhiều loại khác nhau.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi.
Đặc biệt, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu mua kit xét nghiệm Covid-19 của người dân tăng cao. Để ngăn ngừa hiện tượng buôn bán mặt hàng kit xét nghiệm và các sản phẩm điều trị Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, Tổng cục QLTT đã ban hành công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit xét nghiệm, thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; không được để xảy ra tình trạng quan liêu, bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tham nhũng, hối lộ trong công tác quản lý thị trường.
Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test Covid-19 và các sản phẩm thuốc điều trị Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
Các Cục Quản lý thị trường địa phương cũng đã có văn bản chỉ đạo các đội trên địa bàn tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 trên địa bàn.
Bên cạnh đó, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.
Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường chủ động, phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, dược sĩ, việc người dân đổ dồn đi mua kit xét nghiệm Covid-19 với số lượng lớn tích trữ trong gia đình là không cần thiết. Với việc tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 rộng rãi như hiện nay, mỗi người sẽ có biểu hiện và triệu chứng với virus khác nhau nên không nhất thiết mỗi khi thấy mệt lại xét nghiệm ngay. Cần dùng các loại hóa phẩm nhằm tăng đề kháng như dung dịch xịt họng, xịt mũi để giảm khả năng F0 xuống thấp nhất.
Trong trường hợp có F0 cũng không nhất thiết ngày nào cũng phải xét nghiệm sẽ gây lãng phí, cần thời gian theo dõi điều trị từ 4 - 5 ngày, khi nào thấy cơ thể khỏe trở lại mới test để hòa nhập cộng đồng. Trong thời gian điều trị, nên tập trung tài chính cho việc dùng thuốc bổ cũng như nâng khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng cho cơ thể nhanh hồi phục.