Sẽ xả trạm nếu không lắp xong trạm thu phí không dừng trước 30/6
- Tây Y
- 20:08 - 09/06/2022
Chưa phát hiện lợi ích nhóm
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) cho rằng, việc triển khai thực hiện thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay việc này chưa hoàn thành; thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022 gần như không thể đạt được. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân chính của việc chậm trễ này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng là công nghệ mới, được ứng dụng để giúp việc đi lại của người dân thuận lợi và việc nộp thuế phí được công khai, minh bạch. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp một số sơ suất kỹ thuật.
Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), trong đó giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng 113 trạm BOT, quy mô khoảng 400 làn đường, Bộ đã rất nỗ lực không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra.
Đến năm 2019, cơ bản các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng nhưng chỉ có 28 trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do vướng mắc về tái cơ cấu nên Tổng Công ty này không có kinh phí triển khai.
Chính phủ đã họp rất nhiều phiên, đến nay mới giải quyết xong về cơ chế. Cách đây 2 ngày, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng với các cơ quan để triển khai vấn đề này.
Bộ trưởng Giao thông vận tải nêu rõ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT (trừ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) phải hoàn thành lắp thiết bị thu phí không dừng đầy đủ các làn; mỗi trạm chỉ để lại 2 làn bên ngoài để xử lý trường hợp khẩn cấp.
Với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, do vừa tháo gỡ cơ chế nên Chính phủ chỉ đạo đến ngày 31/7/2022 sẽ hoàn thành toàn bộ. Theo khảo sát, tiến độ lần này đã đảm bảo.
"Chính phủ rất cương quyết. Nếu đến ngày 30/6, các trạm BOT (trừ các trạm thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) không hoàn thành, chúng tôi sẽ dừng thu phí, tập trung làm, khi làm xong sẽ cho thu phí lại", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, đến nay, Bộ đã thực hiện dán khoảng 3,2 triệu thẻ trên tổng số hơn 4 triệu ô tô, chiếm 69%. Ngày 1/6/2022, Bộ đã thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, việc thực hiện diễn ra khá tốt. Đây là tiền đề để triển khai thực hiện tốt trong giai đoạn tới.
Tranh luận với Bộ trưởng về việc chậm lắp đặt thu phí không dừng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết: "Cử tri cho rằng việc chậm triển khai thu phí không dừng là do có sự gian lận, lợi ích nhóm”. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời được câu hỏi này đồng thời cho rằng cần rút kinh nghiệm để triển khai các dự án BOT trên toàn quốc thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến năm 2019, theo đề án Chính phủ giao, mỗi trạm BOT có ít nhất 2 làn thu phí tự động. Lý do là nếu dán thẻ không nhiều thì đi trên các làn thu phí tự động rất khó khăn. Đến nay, mới có 3,2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng. Đây mới là thời điểm chín muồi để sử dụng các làn thu phí tự động.
Đại biểu hoặc người dân có thể cảm nhận các trạm chưa có làn thu phí không dừng, "nhưng thực tế mỗi trạm có ít nhất 2 làn". Nếu dán thẻ chưa nhiều mà làm nhiều làn thu phí không dừng thì không sử dụng được".
Bộ trưởng giải thích, 28 trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đến thời điểm này mới ký hợp đồng.
Thời gian qua, Chính phủ họp rất nhiều lần. Lý do Chính phủ quy định cuối tháng 7/2022 phải hoàn thành thu phí không dừng vì cơ quan này đã cam kết với Chính phủ thời điểm đó là hoàn thành xong.
Hiện nay, đơn vị này đã nhập thiết bị, ký xong hợp đồng tín dụng, sẽ lắp sớm trong tháng 6, 7. Chính phủ căn cứ vào cam kết của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, nếu không xong thì phải xả trạm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm; các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này.
"Đến nay, chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này," Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Những dự án chậm tiến độ có trách nhiệm của Bộ GTVT và cá nhân tôi”
Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, "hiện Luật này đang đi vào cuộc sống."
Ngành giao thông đã triển khai thành công một số dự án bằng hình thức PPP như: đầu tư đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (Đồng Nai); cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc (Lâm Đồng)... Những dự án này có nguồn vốn của Nhà nước dưới 50%, địa hình tương đối tốt và giải phóng mặt bằng ít nên huy động rất tốt nguồn vốn PPP. Tuy nhiên, do nhiều công trình, dự án, nếu có chi phí giải phóng mặt bằng lớn hoặc phải xử lý nền đất yếu, có hầm, cầu... nguồn vốn Nhà nước chỉ chiếm 50% sẽ không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, do đó sẽ khó thành công với bài học kêu gọi PPP, một số dự án không thành công.
Về giải pháp lâu dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các thay đổi để sớm sửa đổi Luật PPP.
"Những dự án lớn mang tính đột phá, đặc thù, có thể vốn nhà nước nên chiếm 60-70%, vốn nhà đầu tư 30% cũng lên tới 2-3 nghìn tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu theo hướng này để cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ rà soát rồi báo cáo lại Quốc hội. Nếu Quốc hội đồng thuận, trong giai đoạn sắp tới, PPP của lĩnh vực giao thông vận tải sẽ tốt hơn," Bộ trưởng nêu.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội "hầu hết các dự án chậm tiến độ," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, "chỉ một số dự án chậm tiến độ" bởi mỗi năm, Bộ Giao thông vận tải hoàn thành lập 70-80 dự án, trong đó chỉ có 5-7 dự án chậm.
Cụ thể, dự án nhóm B, C thường không chậm; những dự án lớn cần phải xử lý nhiều yếu tố kỹ thuật đặc thù nên thường chậm.
"Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải không lẩn tránh trách nhiệm. Những dự án chậm tiến độ, có vấn đề về chất lượng, có giải pháp chưa phù hợp... dẫn đến lãng phí, đó là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, trong đó có trách nhiệm của cá nhân tôi," Bộ trưởng nêu; đồng thời nhấn mạnh, đây là trách nhiệm lớn của Bộ để tham mưu cho Chính phủ hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.
Bộ Giao thông vận tải cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, nhất là những dự án trọng điểm, bằng cách kiểm tra tiến độ hàng tuần, hàng tháng, hàng ngày để có những giải pháp kịp thời hoặc vượt thẩm quyền, báo cáo của Chính phủ để phối, kết hợp xử lý.