Sẽ trừ tiền bảo lãnh để khắc phục đường dân sinh
- Tây Y
- 17:10 - 06/12/2019
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên cho biết: Trên địa bàn huyện, VEC và nhà thầu chậm trễ trong việc hoàn trả 4 tuyến đường đã mượn, gây bức xúc trong nhân dân. “Tai nạn giao thông, đời sống người dân bị ảnh hưởng trong nhiều năm trời. VEC phải nhận thấy trách nhiệm của mình và cần sớm xử lý dứt điểm. Không thể xuề xòa mãi”, ông Yên thẳng thắn.
Ngoài ra, theo ông Yên, hơn 4,2ha đất trồng lúa của người dân tại các xã Bình Trung, Bình Nguyên nhiều năm qua phải bỏ hoang vì liên tục ngập úng. Địa phương đã nhiều lần đề nghị VEC có phương án xử lý, hỗ trợ hoặc thu hồi, nhưng đến nay VEC chưa có trả lời thỏa đáng.
Không riêng gì huyện Bình Sơn, mà nhiều tuyến đường dân sinh khác trước đây được nhà thầu trưng dụng để thi công dự án đến nay đã tan nát nhưng việc khắc phục vẫn như muối bỏ biển. Dù từ năm 2018 đến nay, Sở GTVT, UBND tỉnh ít nhất đã có 35 công văn gửi VEC đề nghị chậm nhất đến ngày 30.11.2019 phải hoàn trả các tuyến đường, nạo vét kênh mương, tăng khả năng tiêu thoát nước, bảo đảm điều kiện canh tác, sản xuất cho nhân dân, nhưng đến nay mọi thứ vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành, cả 7 tuyến đường mà VEC mượn thi công giờ mưa xuống bùn đất nhầy nhụa chẳng khác nào cánh đồng sắp gieo sạ. “VEC thay mặt Nhà nước đầu tư công trình, thì phải có trách nhiệm với dự án của mình. Không thể đẩy hết trách nhiệm cho nhà thầu. VEC phải hoàn trả ngay các tuyến đường để người dân đi lại, nhất là dịp Tết cổ truyền sắp đến”, ông Thành bức xúc.
Phó Tổng Giám đốc VEC Lê Quang Hào thừa nhận tình trạng đường giao thông được trưng dụng thi công dự án đã xuống cấp nặng nề. VEC nhiều lần yêu cầu các nhà thầu phải xử lý, hoàn trả nhưng các nhà thầu chây ì.
“Nếu tình trạng này không được xử lý dứt điểm, VEC sẽ lấy tiền từ tiền bảo lãnh của nhà thầu trong hợp đồng chuyển về cho địa phương để sửa chữa và hoàn trả lại nguyên trạng theo đúng cam kết của nhà thầu với địa phương”, ông Hào khẳng định.
Dù phương án đưa ra là rất khả thi, song Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên cho rằng, số tiền mà huyện dự kiến để khắc phục các tuyến đường khoảng 10,5 tỷ đồng. Nếu nhà thầu không khắc phục mà đưa về cho huyện thì cũng cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, chứ không thể chuyển tiền là xong.
Đối với 4,2ha đất không sản xuất được, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC Mai Tuấn Anh đề nghị UBND huyện Bình Sơn có phương án cụ thể để có hướng hỗ trợ hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc đền bù thu hồi toàn bộ.
“Đối với nút giao Trì Bình - Dung Quất, cần khoảng 200 tỷ đồng để thanh toán các hạng mục còn nợ nhà thầu và 100 tỷ đồng để hoàn thành toàn bộ khối lượng còn lại. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn khó khăn nên VEC đang kiến nghị với trung ương cho sử dụng tạm nguồn tiền từ thu phí để tiếp tục thi công hoàn tất dự án”, ông Tuấn Anh thông tin.
Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới đây, lãnh đạo huyện Bình Sơn phản ánh: Hiện có 7 tuyến đường dân sinh mà nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) “mượn tạm” để vận chuyển vật liệu trong quá trình thi công gói thầu A3 thuộc tuyến cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất đã tan nát sau những trận mưa vừa qua, nhưng không được sửa chữa. Lẽ ra, người dân ở những nơi có đường bị “mượn tạm” này đã có thể đi lại một cách bình thường sau khi dự án đường cao tốc đưa vào sử dụng. Thế nhưng, hiện họ vẫn phải đi lại trên những con đường lầy lội. Trong khi nhà thầu Giang Tô thì vẫn bặt vô âm tín, cơ quan chủ quản tuyến cao tốc cũng chẳng biết làm cách nào để “đòi nợ” họ nữa!
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ đồng, do nhiều nhà thầu cả trong nước lẫn nước ngoài thực hiện. Nhà thầu Giang Tô là một trong hai nhà thầu của Trung Quốc tham gia đấu thầu và họ trúng thầu gói A3 đoạn Km99+500 đến Km110+100, thuộc địa phận huyện Bình Sơn, với tổng giá trị gói thầu là 1.362 tỷ đồng. Bảy tuyến đường dân sinh mà nhà thầu “mượn tạm” nói trên là để phục vụ cho việc thi công gói thầu A3 này.
Mặc dù cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào vận hành, nhưng liên tục bộc lộ nhiều sai sót mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh ngay sau khi đường vừa đưa vào sử dụng. Hết sụt lún các tuyến đường dẫn lên cao tốc, đến thấm nước các cầu cống; rồi các "ổ voi, ổ gà" và rãnh sâu xuất hiện trên nhiều điểm của tuyến cao tốc, khiến các lái xe luôn bất an.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến tuyến cao tốc này. Bốn lãnh đạo Ban Quản lý dự án vừa bị bắt đã nói lên rằng, tuyến đường 34.500 tỷ đồng này không thể khắc phục bằng cách vá mấy cái ổ gà trên đường là xong.
Trở lại với câu chuyện nhà thầu Giang Tô đang mắc nợ huyện Bình Sơn 7 tuyến đường dân sinh mà họ mượn tạm. Có thể nói đây là nhà thầu bầy hầy nhất trong số các nhà thầu tham gia thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Họ làm dối, làm ẩu đến mức mà có người dân ở huyện Bình Sơn đã cất công theo dõi và chụp hàng nghìn bức ảnh tố cáo sự gian dối của họ.
Đáng lưu ý là, sau khi trúng thầu, nhà thầu Giang Tô cũng đã kịp bán cho nhà thầu phụ để lấy hoa hồng rồi biến mất dạng khiến nút vòng xoay Trì Bình - Dung Quất dang dở và 7 tuyến dân sinh “mượn tạm”, giờ không biết bắt đền ai. “Nếu nhà thầu Giang Tô không khắc phục thì chúng tôi sẽ trích số tiền mà họ đã bảo lãnh thực hiện hợp đồng để đền cho địa phương”, Phó Tổng Giám đốc VEC Lê Quang Hào đã hứa với lãnh đạo huyện Bình Sơn tại cuộc họp nói trên.
Huyện Bình Sơn cần ít nhất là 10,5 tỷ đồng để sửa lại 7 tuyến đường mà nhà thầu đã “mượn tạm” của dân, hiện đang tan nát. Trong khi chờ đợi hàng nghìn hộ dân đi lại trên 7 tuyến đường này lại phải tiếp tục... “lội bùn”!