Những ngày gần đây, dư luận xôn xao với thông tin thay Sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Đọc tờ trình dự thảo Luật cư trú (sửa đổi) chiều 23-5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay dự thảo sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với việc đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, dự thảo luật cũng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký, không có sự phân biệt và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Theo đó, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành cho toàn bộ công dân. Theo Bộ Công an, công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ, việc đầu tư, bố trí kinh phí còn hạn chế nên quá trình triển khai gặp không ít vướng mắc.
Để bảo đảm tính khả thi, không gây xáo trộn lớn với người dân, cơ quan nhà nước, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần có giải pháp cụ thể để hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân theo đúng tiến độ, cũng như bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khoản 1 Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014).
Theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, Điều 7 Thông tư 07/2016/TT-BCA, số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm:
03 số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh;
01 số tiếp theo là mã thế kỷ sinh, mã giới tính;
02 số tiếp theo là mã năm sinh;
06 số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
Đặc biệt, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác và theo công dân từ lúc sinh ra đến khi mất đi. Số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ Căn cước công dân (khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân).
Đặc biệt tại dự thảo lần 3 Luật Cư trú, Bộ Công an đề xuất thu thập, cập nhật thêm một số thông tin khác vào Cơ sở dữ liệu về dân cư: Nơi tạm trú; Tình trạng khai báo tạm vắng; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của các thành viên trong hộ gia đình (thay vì chỉ cần của chủ hộ như hiện nay).
Theo đó, dự thảo Luật này đã bỏ các quy định về Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, cá nhân thay bằng việc sử dụng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trước đây, Chính phủ cũng đã đồng ý bỏ Sổ hộ khẩu trong quản lý cư trú tại Nghị quyết số 112/NQ-CP năm 2017, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Dự thảo Luật Cư trú nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, khi đó, Sổ hộ khẩu giấy sẽ chính thức bị “khai tử”.
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...