THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:38

Sẽ rút giấy phép những trung tâm giới thiệu việc làm lừa đảo người lao động

 

Tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu ra một thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay, đó là tình trạng lừa đảo lao động việc làm (tại các điểm nóng như Q.12, Tân Phú, Bình Thạnh) trong khi nhu cầu tìm việc của lao động có trình độ thấp rất cao. Sở có giải pháp nào để xử lý triệt để tình trạng này?

Giám đốc Sở LĐTB&XH Lê Minh Tấn cho biết, hiện thành phố có 83 cơ sở dịch vụ việc làm, trong đó 50 cơ sở của TP và 33 chi nhánh. Theo quy định thì 50 cơ sở này có chức năng giới thiệu việc làm, còn 33 chi nhánh lợi dụng chức năng để thu tiền và đưa người lao động đi nước ngoài. Đây là bức xúc chung. "Trước tình trạng này, Sở đã tiến hành kiểm tra, gỡ biển; đồng thời đăng thông tin trên cổng thông tin của sở để cảnh báo, khuyến cáo người lao động tỉnh táo, lựa chọn những cơ sở đi uy tín".

Ông Tấn cho biết thêm, trong giai đoạn 2016-2018, thành phố đã đưa gần 1.400 lao động đi nước ngoài. Để hạn chế những cơ sở thu tiền trái phép của người lao động, thời gian tới Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra; qua đó đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư rút giấy phép những cơ sở, trung tâm sai phạm.

 

Ông Lê Minh Tấn - GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM trả lời chất vấn chiều 12/7 ( ảnh: Hoàng Triều)


 Ngoài vấn đề trên nhiều đại biết rất quan tâm đến Chương trình giảm nghèo của TP. " Sở có giải pháp, đề xuất đúng trọng tâm cho thành phố như thế nào để tránh nguy cơ tái nghèo hoặc dựa dẫm, trông chờ vào hỗ trợ chứ không tự lực vươn lên"? Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí đặt câu hỏi.

 Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung nêu vấn đề: Thành phố vẫn còn những hộ nghèo không có khả năng tự thoát nghèo (do không có lao động, không có sức khỏe) thì Sở có giải pháp gì để hỗ trợ?

Trả lời những vấn đề này, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, về giảm nghèo bền vững, hiện nay có thể nói “vững” thì tương đối nhưng “bền” thì còn phải phấn đấu tiếp. Muốn thoát hộ nghèo, hộ cận nghèo bền vững phải có việc làm, tay nghề ổn định. Thời gian qua, đơn vị có đề án đào tạo nghề cho người dân nông thôn với những ưu đãi, chế độ hỗ trợ giúp bà con, thanh niên có việc làm ổn định.

Nhấn mạnh chương trình giảm nghèo bền vững luôn phải làm lâu dài, kiên trì để nâng cao chất lượng đời sống của người dân, ông Tấn cũng lưu ý thực trạng nhiều hộ nghèo ỷ lại chính sách của TP mà chưa muốn vươn lên làm ăn thoát nghèo. Ông Tấn mong địa phương, đoàn thể kêu gọi ý chí vươn lên của các hộ nghèo và cận nghèo, không mặc cảm mà vươn lên, học nghề, chí thú làm ăn để thoát nghèo.

Đối với 550 hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo, Sở ngoài việc cố gắng động viên để các hộ này vươn lên thì sẽ kêu gọi, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ. Đồng thời, sẽ điều tra, khảo sát, phân loại kỹ, từ đó sẽ có phân công cụ thể để giúp các hộ thoát nghèo.

Ông Tấn cho biết thêm  là hằng năm, Sở và các phòng LĐ-TB&XH quận/huyện có thanh tra, kiểm tra hành chính để ngăn chặn, phòng ngừa. Do vậy những năm gần đây chưa có hiện tượng nào.

Tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM mong Sở LĐTB&XH TP.HCM có trách nhiệm giáo dục, xây dựng kế hoạch động viên bà con hộ nghèo có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Đối với các hộ nghèo có hoàn cảnh neo đơn, Sở cần phối hợp với các đoàn thể rà soát kỹ, tham mưu với UBND TP để có những giải pháp, chính sách giúp các hộ đảm bảo mức sống ổn định.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND TP.HCM chiều 12-7. Ảnh: HOÀNG GIANG


“Sở cần có giải pháp phù hợp cho các hộ nghèo tại thành thị và nông thôn, vì thực tế, hộ nghèo thành thị còn khó khăn hơn hộ nghèo nông thôn rất nhiều. Đồng thời, cần tạo điều kiện để hộ nghèo được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp người dân đảm bảo chất lượng cuộc sống”. Bà Quyết Tâm nhấn mạnh.

PHA LÊ (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh