Sẽ phạt nặng nếu ly hôn không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân
- Y học 360
- 00:32 - 20/09/2015
Đây là điểm sửa đổi, bổ sung đáng chú ý trong Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo đó, tại khoản 2, Điều 48, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để trốn tránh nghĩa vụ tài sản.
Ngoài những trường hợp nêu trên, Nghị định 67/2015/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với hành vi lợi dụng việc ly hôn để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Ly hôn nhưng không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. (Ảnh minh họa)
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, đây là sửa đổi, bổ sung cần thiết để ngăn chặn hiện tượng “ly hôn giả”, tức là ly hôn nhưng không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
“Thực tiễn qua việc tư vấn, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự có trường hợp ly hôn giả tạo, nghĩa là việc ly hôn không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân mà nhằm mục đích khác như trốn tránh nghĩa vụ tài sản.
Ví dụ, anh H kết hôn chị B, trong thời kỳ hôn nhân, hai vợ chồng cùng tạo lập được một khối tài sản chung.
Cũng trong thời gian đó, anh H có vay của người khác một khoản tiền lớn. Do không muốn phải dùng tài sản chung để trả nợ, anh H đã bàn bạc với chị B sẽ làm thủ tục ly hôn và tặng cho toàn bộ khối tài sản chung cho chị B và đã được Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn và thỏa thuận phân chia tài sản chung khi ly hôn.
Khi chủ nợ đến đòi tiền thì anh H đã không còn bất cứ tài sản nào để thanh toán. Bởi toàn bộ tài sản đã được chị B làm thủ tục sang tên và thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của một mình cá nhân chị này ngay sau khi ly hôn”, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.
Một bổ điểm mới được bổ sung tại Điều 48, Nghị định 67/2015/NĐ-CP là quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu với hành vi “Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ”.
“Theo Khoản 17 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Điều này có nghĩa, nếu bố mẹ và con đẻ kết hôn hoặc sống như vợ chồng sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Về điểm này tôi muốn giải thích rõ hơn về trường hợp thế nào là kết hôn và trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng.
Tại khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2013 quy định: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn
Còn Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng (Khoản 7, Điều 3, Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Tôi cho rằng việc mở rộng hành vi vi phạm theo Nghị định 67/2015/NĐ-CP sẽ giúp chúng ta tránh được những hệ lụy trong các mối quan hệ gia đình, hệ lụy về duy trì giống nòi, đảm bảo thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”, luật sư Trần Tuấn Anh cho biết.
Trước đó, ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP. Nghị định 67/2015/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2015.