CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:00

Sẽ có điện thoại 4G giá chỉ 500 ngàn đồng?!

 

Trong buổi chia sẻ mới đây với báo giới, ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc của Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho hay, Việt Nam là thị trường rất quan trọng của Qualcomm. Với dân số trẻ, ứng dụng công nghệ đang phát triển rất mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ phía chính phủ và hệ sinh thái di động, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về phát triển viễn thông. Vì vậy, Qualcomm sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái di động của các nhà mạng của Việt Nam phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4G LTE trong năm 2018 với tầm nhìn đưa tốc độ 4G LTE đạt đến tốc độ gigabit.

Mô hình hoạt động của Qualcomm tại Việt Nam cũng tương tự như mô hình hoạt động của Qualcomm trên thị trường toàn cầu. Qualcomm làm việc với toàn bộ các đối tác trong hệ sinh thái di động để thúc đẩy sự phát triển của 4G, 5G. Qualcomm làm việc với các nhà sản xuất điện thoại tại địa phương, cũng như các nhà sản xuất điện thoại quốc tế để đưa những sản phẩm mới của họ có công nghệ Qualcomm đến với người dùng Việt Nam.

Một trong những trọng tâm của Qualcomm là làm thế nào để những người đang sử dụng điện thoại phổ thông (feature phone) chuyển đổi lên 4G càng sớm càng tốt. Theo ông Thiều Phương Nam, điều này vô cùng quan trọng với Việt Nam, nếu muốn phổ biến công nghệ 4G đến với người dùng nhiều hơn.

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn khoảng 40 triệu thuê bao 2G, tương đương 40 triệu điện thoại phổ thông. Sự chuyển đổi từ 2G lên 4G sẽ giúp các nhà mạng giải phóng băng tần 2G để đưa lên cho 4G, và sắp tới là 5G. Có những khó khăn cho người dùng khi chuyển đổi từ 2G lên 4G, đặc biệt là giá thành smartphone. Do đó, Qualcomm vẫn đang làm việc để đưa những smartphone với mức giá phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp tại Việt Nam. Mức giá có thể dưới 100 USD sẽ hấp dẫn người sử dụng.

 

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc của Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia

 

Một số người dùng Việt Nam hoàn toàn có thể mua được smartphone, nhưng vì thói quen sử dụng bàn phím vật lý nên không chuyển đổi. Do đó, Qualcomm cũng đưa ra nền tảng công nghệ, sản phẩm điện thoại phổ thông nhưng vẫn có 4G. Từ đó, có thể có các điện thoại phổ thông chạy 4G với mức giá khoảng 25 USD.

Mặc dù đã được các nhà mạng lớn của Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ từ năm 2017, song trên thực tế, công nghệ 4G LTE vẫn còn khá mới. Do đó, việc tối ưu hóa khả năng 4G của các nhà mạng cũng là một nhu cầu lớn. Các kỹ sư Qualcomm có kinh nghiệm sâu rộng trong việc tối ưu mạng 4G của các nhà mạng. Năm ngoái, các kỹ sư của Qualcomm đã ở tại Việt Nam từ 3 đến 6 tháng cùng kỹ thuật của các nhà mạng Việt Nam để tối ưu mạng 4G. Bên cạnh tối ưu và đẩy mạnh sự phát triển hạ tầng 4G, năm 2018, Qualcomm cũng sẽ có những hội thảo, hội nghị chuyên đề với các nhà mạng để chia sẻ định hướng, kế hoạch cho 5G.

Một trong những chiếc lược quan trọng khác của Qualcomm tại thị trường Việt Nam là hỗ trợ cho ngành công nghiệp địa phương, các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng các thiết bị di động trên toàn cầu, thông qua chia sẻ bản quyền và hỗ trợ trực tiếp. Việt Nam hiện nay đang trở thành một trung tâm sản xuất và thiết kế lớn của thế giới và có rất nhiều cơ hội.

Với những phát minh, sáng chế, những thiết kế tham chiếu, những công cụ phát triển, Qualcomm mong muốn giúp các công ty OEM Việt Nam thiết kế sản xuất những sản phẩm, smartphone và IoT, không chỉ tiêu thụ tại Việt Nam mà còn phát triển ra toàn thế giới. 

Theo bà Julie Welch - Phó Chủ tịch, Phụ trách Quan hệ Chính phủ của Qualcomm Khu vực Đông Nam Á, Đài Loan, Thái Bình Dương, tại Việt Nam, Qualcomm rất vui mừng khi chính phủ có những chính sách rất cụ thể về Công nghiệp 4.0, chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ hiện đại như 3G, 4G, 5G, IoT, nhà thông minh, thành phố thông minh… để hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Qualcomm rất vinh dự khi được hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định, triển khai chính sách phát triển công nghiệp 4.0.

Sáng tạo là một lĩnh vực rất quan trọng với Qualcomm. Tại Việt Nam, Qualcomm là một trong những công ty sẵn sàng chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế với các đơn vị trong nước. Để hỗ trợ phát triển sáng tạo, Việt Nam cũng cần có những chính sách để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị, doanh nghiệp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh