THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

Sẽ chỉ còn một phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Ban soạn thảo, ông Doãn Mậu Diệp - Phó Trưởng ban soạn thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm tra và phát biểu của các ĐBQH, ngay sau Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV, Bộ LĐ-TB & XH đã chủ trì và phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo Bộ luật. Ngoài tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ và trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ cũng còn chủ trì 8 cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng khác nhau tại các vùng, miền.

“Dự kiến từ nay đến khi trình QH thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tám, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu về một số chủ đề được các ĐBQH và người dân quan tâm như: thời gian làm thêm, tuổi nghỉ hưu, lao động nữ, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... nhằm tham vấn đông đảo các đối tượng và truyền thông, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung dự thảo Bộ luật.”,  ông Doãn Mậu Diệp nói.

 

 - Ảnh 1Toàn cảnh phiên họp toàn thể của UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội


Liên quan đến vấn đề điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu,  ông Doãn Mậu Diệp cho biết, qua tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động, đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo Phương án 1: Kể từ 1.1.2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi vào năm 2028. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị có phương án cụ thể về những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và những trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung; làm rõ căn cứ, cơ sở để quy định khoảng cách tuổi nghỉ hưu là 2 tuổi giữa nam và nữ”, Ông Diệp nói và cho biết, Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tới sẽ chỉ quy định Phương án 1.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Dự kiến tháng 9 hoàn thành.

“Đối với một số công việc có tính chất đặc thù như xiếc, thể thao, nghệ thuật sân khấu, giáo viên mầm non… sẽ được quy định theo hướng: khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù thì người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp, trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm".

Về quy định nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ông Doãn Mậu Diệp cho hay Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn cho những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý, và đảm bảo theo 3 nguyên tắc: chỉ làm công việc chuyên môn, không giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo; cơ quan có nhu cầu sử dụng; cá nhân có nguyện vọng và có đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc.

 

 - Ảnh 2Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu trong bối cảnh già hóa dân số  


Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, cần mở rộng đối tượng áp dụng tại điều khoản thi hành của dự thảo Bộ luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động về một số quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện lao động như: an toàn, vệ sinh lao động; thời gian làm việc và thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương; bảo hiểm xã hội... nhằm bảo đảm tốt hơn về điều kiện, tiêu chuẩn lao động và phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành đã được tách ra từ Bộ luật Lao động cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế. Các ý kiến này cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá về việc thực hiện nội dung này của các Luật đã được tách ra từ Bộ luật Lao động hiện hành nhằm làm rõ hơn về tính tương thích khi mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật.

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục  lắng nghe sự tranh luận đa chiều của đại biểu. “Nguyên tắc chung là gạn đục khơi trong, chúng tôi sẽ tiếp thu những gì  có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho người lao động nhưng cũng đảm bảo cho sự phát triển chung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở, Bộ trưởng cho rằng  chúng ta chưa có kinh nghiệm, do vậy phải tiếp tục nghiên cứu và phải rất thận trọng. Vì vậy Ban soạn thảo và Chính phủ chỉ nêu những vấn đề có tính nguyên tắc , còn lại chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định bằng các văn bản dưới luật.

Về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng cho biết,  đây là bài toán cưc kỳ khó của tất cả các quốc gia. “Nước nào nâng tuổi nghỉ hưu cũng vấp phải sự phản đối nhưng họ vẫn phải quyết định. Bài toán này khi xây dựng  Nghị quyết 28 Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ, nghiên cứu những nước thành công và cả những nước thất bại.  Kinh nghiệm các nước cho thấy, muốn điều  chỉnh tuổi hưu phải điều chỉnh khi đang thặng dư về lao động và điều chỉnh có lộ trình. Một số vấn đề khác chúng tôi sẽ tiếp thu và Ban soạn thảo sẽ trình Chính phủ và Chính phủ sẽ có quan điểm chính thức để trình với Thường vụ QH vào ngày 14/8.”, Bộ trưởng cho biết.

 

Về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, đa số ĐBQH  đồng tình mở rộng khung thỏa thuận làm thêm 100 giờ/năm như đề xuất trong dự thảo Bộ luật. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị: tiếp tục quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng; có danh mục những nghề, công việc thuộc “trường hợp đặc biệt” được làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; quy định mức lương lũy tiến làm thêm giờ.

Về nội dung này, Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng: Quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ. Quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm

Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức làm thêm giờ để tránh lạm dụng, bảo vệ sức khỏe của người lao động đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật.

Về quy định mức lương lũy tiến làm thêm giờ, Ban soạn thảo đề nghị quy định mức tiền lương làm thêm giờ ít nhất bằng 150% - 200% - 300% và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh