CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:20

Sẽ xin ý kiến Quốc hội về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em từ 14-16 tuổi

 

Liên quan tới phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án: 

Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. 

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên... 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội có những quan điểm khác nhau về nội dung này. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá những thay đổi của Bộ luật Hình sự 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng xử lý nghiêm đối với trẻ em. Đại biểu dẫn chứng theo số liệu thống kê, trong 3 năm từ 2014-2016, trong phạm vi cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về Tội cố ý gây thương tích; trung bình mỗi năm ở mỗi địa phương chỉ có một em ở độ tuổi này gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Cả nước chỉ có chín em bị truy tố về Tội hiếp dâm và hai em bị truy cứu về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự 2015 lại mở rộng phạm vi xử lý đối với các em, đây là vấn đề cần được cân nhắc.

 

ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng không nên mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự với trẻ em từ 14-16 tuổi


Đại biểu phân tích đối với vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây bức xúc hầu như không thuộc độ tuổi này mà thuộc từ 16 đến dưới 18 tuổi. Theo đại biểu, Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với các em đối với ba tội danh trên là không có sự phân hóa giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội. Đại biểu bày tỏ quan điểm, ủng hộ phương án 2 tức là chỉ xử lý hình sự khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng như từ trước tới nay. 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) thấy rằng Phương án 1 của dự thảo Luật chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự với người chưa thành niên phạm tội, đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Phương án 2 phù hợp với chính sách hình sự vì đã thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và phù hợp với tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên,  ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lại ủng hộ Phương án 1 trong dự thảo Bộ luật. Thực tế, thời gian qua, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhất là tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ xảy ra với tính chất phức tạp, mức độ thì vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài cho sức khỏe của người bị hại... cần phải được xử lý nghiêm. 

Trước những quan điểm khác nhau của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nếu đa số chọn phương án nào thì dự thảo sẽ lựa chọn theo phương án đó. 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh