Sau vụ hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi, nhiều người chọn mua que test tại nhà: Liệu có đảm bảo an toàn và cho kết quả chính xác?
- Y học 360
- 19:48 - 10/12/2019
Nhiều người đổ xô tin tưởng dùng que thử HIV, viêm gan B tại nhà
Mới đây, thông tin hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B ở bệnh viện Xanh Pôn bị cắt đôi trước khi xét nghiệm khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Theo đó, nhân viên y tế mang mẫu máu của bệnh nhân từ phòng lấy mẫu sang khoa Vi sinh để test trên bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B.
Thay vì để nguyên bộ thử như hướng dẫn nhà sản xuất chỉ dùng cho một bệnh nhân, nhân viên khoa Vi sinh cắt đôi test để xét nghiệm cho 2 bệnh nhân. Sau khi nhân đôi que thử, mẫu máu của bệnh nhân được nhỏ vào que để xét nghiệm HIV và viêm gan B. Khoảng 4 tiếng sau, kết quả xét nghiệm được trả cho bệnh nhân. Việc cắt đôi que thử xét nghiệm này chắc chắn sẽ không đảm bảo cho một kết quả chính xác. Trong khi đó, việc xét nghiệm HIV, viêm gan B được tiến hành tại bệnh viện lớn chứ không phải là cơ sở y tế thiếu uy tín khiến nhiều người không khỏi hoang mang, sợ hãi.
Trước tình hình này, nhiều người mách tai nhau sử dụng que thử HIV, viêm gan B tại nhà. Chỉ cần gõ lên mạng là những shop bán mặt hàng này sẽ xuất hiện nhan nhản trên những cửa hàng trực tuyến. Ở đây, bạn tha hồ lựa chọn những dạng que thử HIV, viêm gan B có xuất xứ từ Mỹ, Anh… với đủ loại khác nhau. Hầu hết các quảng cáo đều công nhận, que thử HIV, viêm gan B đem lại độ chính xác đến 99,9%. Tất nhiên, đó chỉ là quảng cáo. Nhưng trong tình hình hiện nay, nhiều người có xu hướng đổ xô đi mua dùng thay vì vào viện, nhất là bệnh viện lớn để làm xét nghiệm.
Xét nghiệm là cách duy nhất để sớm xác nhận bệnh nhân có nhiễm HIV hay không?
Hiện nay, HIV không có thuốc đặc chữa. Do đó, việc xét nghiệm phát hiện sớm sẽ giúp người bị nhiễm HIV được điều trị kịp thời, kìm hãm sự phát triển và giảm thiểu ảnh hưởng của virus. Xét nghiệm là cách duy nhất để sớm xác nhận bệnh nhân có nhiễm HIV hay không.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong xét nghiệm chẩn đoán HIV, có nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất là test nhanh thì độ nhạy rất cao nhưng độ đặc hiệu thấp. Tức là những trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV thì test nhanh có thể dương tính, tuy nhiên chưa thể khẳng định người đó đã nhiễm HIV. Bởi xét nghiệm này để sàng lọc chứ không khẳng định ai đó bị nhiễm HIV. Còn khẳng định thì phải ở các cấp độ xét nghiệm khác. Xét nghiệm này phải được thực hiện ở các labo chuẩn.
Trả lời về vấn đề này, BS nội trú Lương Quốc Chính (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, hiện nay công nghệ xét nghiệm các loại bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV và viêm gan B có những sự tiến bộ vượt bậc, xét nghiệm nhanh hay còn gọi là "rapid test" được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện, độ chính xác cao (xét nghiệm HIV nhanh Ora Quick HIV-1/2 có độ nhạy 99%, độ đặc hiệu 100%).
Khi cắt dọc xét nghiệm nhanh đối với loại que thử như báo chí đưa tin thì không biết độ chính xác của kết quả xét nghiệm là bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cấu tạo của que xét nghiệm nhanh thì chúng ta sẽ thấy các loại kháng thể (labeled antibody, primary antibody, secondary antibody) được phủ đều trên mỗi đường thẳng ngang.
Như vậy, đối với que xét nghiệm nguyên vẹn, nồng độ các kháng thể sẽ đảm bảo cho kết quả xét nghiệm có độ chính xác như mong muốn, đối với que xét nghiệm bị cắt dọc thì nồng độ kháng thể sẽ giảm đi một nửa làm cho độ chính xác của kết quả xét nghiệm cũng giảm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, BS Nguyễn Tấn Thủ (cố vấn kỹ thuật tại Phòng khám Nhà Mình) cho biết, hiện tại không có que thử viêm gan B được đánh giá là chuẩn xác tại nhà. Còn đối với que thử HIV cũng không phải loại nào cũng cho kết quả chuẩn xác. Do đó, trước thị trường xuất hiện nhan nhản các loại que thử, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng.
"Hiện nay, dùng que thử oraquick để chẩn đoán HIV tại nhà được thực hiện đơn giản theo hướng dẫn bao bì, lại có thể đem lại kết quả chuẩn xác 99,9% đối với người nghi ngờ nhiễm HIV", chuyên gia tiết lộ. Nếu kết quả dương tính, bạn cần thiết phải đến cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám và điều trị kịp thời.
Xét nghiệm HIV cần thực hiện cơ sở y tế chuyên môn
Mọi người trong cộng đồng nếu muốn xét nghiệm HIV, đều có thể tự làm ở nhà, giống như xét nghiệm chẩn đoán thai sớm, xét nghiệm tiểu đường nhưng chỉ mang tính chất sàng lọc. Nếu có kết quả nghi ngờ nhiễm HIV, phải tiếp tục được thực hiện các xét nghiệm những cơ sở đã được Bộ Y tế cấp phép công nhận lúc đó người bệnh mới có kết quả chính xác cũng như có cách điều trị bằng thuốc kháng virus.
Theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định 1112/QĐ-BYT (Hướng dẫn thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi, điều trị HIV/AIDS, Bộ Y tế):
Nguyên tắc thực hiện:
1. Xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị HIV/AIDS do bác sĩ điều trị tại các cơ sở y tế điều trị bằng thuốc kháng HIV chỉ định theo quy định tại Quyết định số 5418/QĐ-BYT ban hành ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS (sau đây gọi là Quyết định số 5418/QĐ-BYT).
2. Xét nghiệm tải lượng HIV được thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm đã được phê duyệt triển khai kỹ thuật xét nghiệm tải lượng HIV, quy trình thực hiện xét nghiệm phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu và thực hiện xét nghiệm nhằm đảm bảo chất lượng xét nghiệm.
Quy trình chỉ định xét nghiệm nhiễm HIV:
- Trước tiên phải lập danh sách người bệnh đủ tiêu chuẩn xét nghiệm hằng tháng vào sổ theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV theo quy định.
- Tư vấn cho người bệnh về sự cần thiết của việc xét nghiệm tải lượng HIV và thông báo về thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
- Chỉ định xét nghiệm ghi nhận vào bệnh án và phiếu xét nghiệm. Thông tin ghi vào mục chẩn đoán trên phiếu xét nghiệm phụ thuộc vào đối tượng chỉ định xét nghiệm, cụ thể như sau: Theo dõi thường quy sau điều trị thuốc ARV 6 tháng hoặc 12 tháng hoặc trên 12 tháng.
- Nghi ngờ thất bại điều trị thuốc ARV hoặc khi kết quả xét nghiệm tải lượng HIV thường quy ≥ 200 bản sao/ml.
- Xét nghiệm lần thứ hai sau khi kết quả xét nghiệm lần 1 trên 200 bản sao/ml. Ghi rõ thời gian thực hiện và kết quả xét nghiệm tải lượng lần thứ nhất.
- Phụ nữ đang điều trị thuốc ARV và có thai (nêu rõ tuổi thai).
- Phụ nữ nhiễm HIV cho con bú.