THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:06

Sau năm 2020, Hà Nội sẽ là thành phố thông minh

 

3 năm gần đây, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhiều dịch vụ công đã được các cơ quan cung cấp trực tuyến qua môi trường internet, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

 

Người dân sẽ được hẹn giờ khám, không phải xếp hàng khi có nền y tế thông minh.

 

4 lĩnh vực ưu tiên

Theo bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, y tế, giáo dục, giao thông và du lịch được xác định là 4 lĩnh vực tác động nhiều đến người dân, nên Hà Nội chọn là 4 lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng thành phố thông minh.

Đơn cử, trong lĩnh vực y tế, giải pháp tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai với 9 cấu phần chính. Thành phố sẽ kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu dân cư trong công tác khám, thiết lập hồ sơ sức khỏe toàn dân; Xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, cấp mã y tế cá nhân, tiến tới sử dụng 1 thẻ khám chữa bệnh thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế; Quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân. 

Bên cạnh việc kết nối với các bệnh viện để trao đổi thông tin y tế, Hà Nội sẽ triển khai giải pháp tổng thể hệ thống y tế thông minh; Tầm soát ung thư cho các đối tượng có nguy cơ cao; Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực y tế; Xây dựng các cơ sở dữ liệu y tế tích hợp vào hệ thống chính quyền điện tử của thành phố như cơ sở dữ liệu dược, cơ sở dữ liệu vệ sinh an toàn thực phẩm... 

Về giao thông thông minh, từ ngày 1-5-2017, thành phố đã thí điểm triển khai ứng dụng tìm kiếm chỗ và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (IPARKING) trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Ứng dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người sử dụng, phần nào giúp người dân rút ngắn thời gian tìm chỗ đỗ xe và tạo ra sự minh bạch trong hoạt động trông giữ xe.

Ngoài ra, hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội còn gồm các hạng mục như: Cải tạo, nâng cấp hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi thành phố Hà Nội - giai đoạn 2; Bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS; Tăng cường năng lực kiểm tra giám sát hoạt động xe buýt trên địa bàn Hà Nội… 

Dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử

Để triển khai xây dựng thành phố thông minh ở 4 lĩnh vực ưu tiên nêu trên và sau đó mở rộng ra các lĩnh vực khác, Hà Nội đang dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử Thủ đô gồm: Trung tâm dữ liệu Nhà nước, Mạng diện rộng (WAN), Cổng giao tiếp điện tử thành phố. 

Hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin cũng đã bước đầu được triển khai tại Hà Nội. Đáng chú ý, hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đến tất cả các sở, ngành, UBND quận/huyện và 584 xã/phường/thị trấn. Thành phố cũng đang từng bước khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân và tổ chức, ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực hướng tới xây dựng thành phố thông minh. 

Hà Nội đặt ra mục tiêu sẽ có chính quyền điện tử tốt nhất trên cả nước và xếp thứ hạng cao trong các thành phố có chính quyền điện tử trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến, sau năm 2020, Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ hoàn thành cơ bản chính quyền điện tử, giao dịch với người dân và giao dịch bên trong cơ quan chính quyền đều thực hiện trên môi trường mạng, tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao năng lực làm việc cho cơ quan chính quyền. Sau năm 2030, sẽ có một Hà Nội hiệu quả và sáng tạo, chính quyền điện tử của Hà Nội phát triển ở mức cao, cùng với các hệ thống thông minh phục vụ dân sinh...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh