Sáu điều nên làm khi con bị bắt nạt
- Y học 360
- 13:46 - 31/08/2019
1. Ghi lại tất cả những lần con bị bắt nạt
Cha mẹ hãy ghi lại mọi thứ xảy ra về vụ bắt nạt, gồm ngày, giờ, nhân chứng, hành động và hậu quả. Ví dụ, nếu giáo viên chế giễu, mắng mỏ thậm tệ con bạn trước lớp, hãy ghi lại thời điểm cũng như những lời nói của giáo viên và học sinh có mặt vào lúc ấy. Cha mẹ cần lưu ý thêm có bạn học cùng lớp nào tham gia bắt nạt con bạn cùng với giáo viên hay không. Đây sẽ là bằng chứng để bố mẹ đối chất với giáo viên sau này.
2. Hãy trấn an và hỗ trợ con
Trẻ thường không tự nói chuyện với bố mẹ về việc bị bắt nạt nên bố mẹ cần theo sát các dấu hiệu để phát hiện mọi chuyện kịp thời. Một số dấu hiệu của việc trẻ bị bắt nạt là hay lo lắng, mất ngủ, buồn chán...
Hãy nói chuyện với con về những vấn đề xảy ra hàng ngày ở trường học và thực sự lắng nghe tâm tư của con, sau đó trấn an tâm lý và hỏi xem con muốn xử lý tình huống đó như thế nào? Nếu con đang có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, bố mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ để được hỗ trợ tâm lý tốt nhất.
3. Giúp con xây dựng lòng tự trọng
Điều quan trọng nhất bố mẹ cần làm là khuyến khích, chỉ cho con thấy điểm mạnh của bản thân để chúng tập trung, quên đi chuyện bị bắt nạt. Ngoài ra, bố mẹ đừng dành quá nhiều thời gian nói về việc bị bắt nạt. Làm vậy chỉ khiến con tập trung vào những điều tiêu cực. Thay vào đó, hãy giúp con thấy rằng có những điều hạnh phúc khác trong cuộc sống, chẳng hạn các hoạt động thể thao...
Làm được điều này, bố mẹ sẽ giúp con sớm hồi phục lại tinh thần.
4. Hãy nói chuyện với con trước khi gặp giáo viên để giải quyết
Khi con bị bắt nạt, một số bố mẹ nôn nóng gặp ngay giáo viên, thậm chí là tìm gặp cả hiệu trưởng mà không hề nói chuyện, hay thảo luận trước với con. Điều này thực sự rất tồi tệ, khiến con bị bối rối.
Con bạn cần được chuẩn bị tinh thần nếu cuộc họp của bạn với giáo viên không diễn ra suôn sẻ và ngay cả việc giáo viên có thể trả đũa. Hãy nhớ, đừng bao giờ làm bất cứ điều gì có liên quan đến con mà không thảo luận trước.
5. Giữ thái độ bình tĩnh khi nói chuyện với giáo viên
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất bắt nạt mà bố mẹ có thể đến gặp trực tiếp giáo viên. Cách này sẽ giải quyết được vấn đề nếu bạn có cách tiếp cận phù hợp và giữ thái độ hợp tác. Dù bức xúc đến mấy, bố mẹ cũng cần bình tĩnh, giữ tâm trí cởi mở và lắng nghe quan điểm của giáo viên, tránh la hét, buộc tội, đổ lỗi và dọa kiện cáo.
Bố mẹ cho phép giáo viên nói chuyện và để họ giải thích vì sao cư xử như vậy. Bên cạnh đó, hãy đề cập đến những vấn đề mà mình đã quan sát được, chẳng hạn việc con sợ hãi khi đến lớp. Sau đó, bố mẹ hỏi giáo viên những gì đã và có thể xảy ra, dẫn đến tình trạng đó.
Bước này cho phép giáo viên nói về những gì nhìn thấy. Ngoài ra, giáo viên sẽ có ít khả năng phòng thủ hơn nếu phụ huynh cởi mở lắng nghe quan điểm của họ.
6. Hãy giải quyết mọi việc từ cấp thấp đến cao
Khi con bạn bị bắt nạt, đừng vội vàng chạy lên gặp hiệu trưởng luôn để tố cáo giáo viên. Việc gì cũng phải có trình tự, nếu việc xảy ra giữa con bạn và giáo viên thì hãy giải quyết với hai đối tượng này trước. Những người càng gần với vấn đề thì càng có khả năng giải quyết nhanh chóng hơn.
Nếu bố mẹ nôn nóng "nhảy cấp" đôi khi chỉ khiến tình hình thêm hỗn loạn. Nếu sau khi trao đổi với giáo viên mà tình hình không cải thiện, thậm chí nghiêm trọng hơn thì bố mẹ mới khiếu nại lên cấp cao hơn là hiệu trưởng, đưa ra các bằng chứng và yêu cầu chuyển lớp nếu được.
Trường hợp hiệu trưởng phủ nhận chuyện bắt nạt hoặc bao che cho giáo viên, bố mẹ có thể gửi đơn khiếu nại trực tiếp lên những cấp cao hơn như sở giáo dục.
Nếu cấp cao xử lý quá lâu, phụ huynh có thể xem xét đến tư vấn pháp lý. Trong thời gian đó, cần cân nhắc cho con chuyển trường. Đừng bao giờ để con chịu đựng bắt nạt quá lâu; đừng bao giờ cho rằng việc bắt nạt sẽ kết thúc mà không cần sự can thiệp và con bạn có thể tự vượt qua hay sẽ ổn về mặt tâm lý.